Thử nghiệm tủy răng

Thử nghiệm tuỷ liên quan đến quá trình phát hiện đáp ứng của các tế bào thần kinh cảm giác của tuỷ răng. Thử nghiệm kích thích răng bằng nhiệt hoặc điện nhằm thu được đáp ứng chủ quan của bệnh nhân (chẳng hạn như nhằm xác định xem liệu thần kinh tuỷ răng có thực hiện chức năng hay không), hoặc các thử nghiệm mang tính khách quan hơn sử dụng các thiết bị kiểm tra tính toàn vẹn của mạch máu tuỷ răng. Thật không may rằng việc đánh giá định lượng tình trạng mô tuỷ chỉ có thể được xác định chính xác về mặt mô học, do không có sự tương đương giữa các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng với tình trạng mô học của tuỷ răng.

THỬ NHIỆT

Đáp ứng cơ bản hay bình thường của tuỷ răng với nóng hoặc lạnh theo mô tả của bệnh nhân là có cảm giác nhưng biến mất ngay sau khi hết kích thích nhiệt. Đáp ứng bất thường bao gồm: không đáp ứng với kích thích, đau kéo dài hoặc tăng sau khi loại bỏ kích thích, hoặc đau rất nhiều khi kích thích lên răng.

Thử nóng hữu ích nhất khi than phiền chính của bệnh nhân là đau răng dữ dội khi ăn thức ăn hoặc nước uống nóng. Thử nghiệm nóng cần thiết khi bệnh nhân không phân biệt được răng nào bị nhạy cảm. Bắt đầu từ vùng răng sau, mỗi răng được cô lập bằng đê cao su. Hút đầy kim bơm rửa một chất lỏng (thông thường là nước) có nhiệt độ tương tự như nhiệt độ thức ăn/nước uống làm bệnh nhân có cảm giác đau. Bơm chất lỏng vào răng được cô lập để kiểm tra xem răng sẽ cảm giác bình thường hay bất thường. Bác sĩ tiếp tục di chuyển lên các răng phía trước trên mỗi phần tư hàm cho đến khi tìm được răng nguyên nhân. Phản ứng của răng bệnh lý khi bị kích thích sẽ là cơn đau tức thì, dữ dội. Đáp ứng chậm có thể xảy ra, vì vậy chờ 10 giây giữa mỗi lần thử nhiệt để xem răng có khởi phát triệu chứng hay không.

Một phương pháp khác để thử nóng là dùng gutta-percha nóng hoăc hợp chất đặt lên bề mặt của răng. Nếu áp dụng phương pháp này, nên bôi một lớp chất bôi trơn mỏng lên mặt răng trước khi đặt vật liệu nóng lên để tránh gutta-percha nóng hoặc hợp chất bám vào bề mặt răng. Nhiệt cũng có thể tạo ra do ma sát bằng cách cho một mũi cao su chạy tốc độ cao trên bề mặt răng khô. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này hiếm khi được sử dụng.

Nếu thử nghiệm nóng xác nhận lại kết quả của những thử nghiệm tuỷ khác thì lúc đó cần điều trị cho bệnh nhân. Thông thường một răng nhạy cảm trước nhiệt độ thì cũng có thể đau tự phát. Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể kể rằng việc dùng nước lạnh sẽ giảm đau. Lúc này, việc đặt nhiệt lạnh lên răng có thể loại trừ đau, điều này giúp chẩn đoán rõ hơn. Thường thì một răng đáp ứng với thử nhiệt và sau đó giảm đau nhờ lạnh thì tuỷ bị hoại tử.

Thử lạnh là phương pháp thử tuỷ chính mà nhiều bác sĩ thực hiện ngày nay. Để có kết quả chính xác nhất, thử lạnh nên kết hợp với thử điện nhằm so sánh kết quả giữa hai thử nghiệm và xác minh lại chẩn đoán. Nếu một răng đã trưởng thành, không bị chấn thương mà không đáp ứng với thử điện và thử lạnh thì tuỷ răng xem như bị hoại tử. Tuy nhiên, một răng nhiều chân mà trong đó có ít nhất một chân răng có mô tuỷ sống thì nó vẫn có thể đáp ứng với thử lạnh mặc dù một hoặc các chân còn lại có tuỷ hoại tử. Thử lạnh có thể thực hiện tương tự như thử nhiệt bằng việc cô lập răng bằng đê cao su. Kỹ thuật thử lạnh đặc biệt hữu ích với bệnh nhân mang mão Jacket hoặc mão sứ – kim loại mà không có mô răng lộ ra để tiếp cận (hoặc hầu hết mô răng đã bị kim loại che phủ). Nếu bác sĩ dùng một thanh nước đá để thử lạnh thì cần dùng đê cao su nhằm tránh nước đá chảy vào các răng kế cận gây lên kết quả dương tính giả.

Một nghiên cứu so sánh về khả năng xác định sự hiện diện của mô tuỷ sống giữa hai phương pháp thử nhiệt và thử điện. Độ nhạy, tức khả năng xác định răng bệnh, là 0.83 đối với thử lạnh, 0.86 với thử nóng và 0.72 với thử điện. Điều này có nghĩa là thử lạnh xác định chính xác 83% răng có tuỷ hoại tử, trong khi thử nóng đúng trong 86% trường hợp và thử điện chỉ đúng trong 72% trường hợp. Một nghiên cứu giống vậy nhằm đánh giá nét đặc trưng của ba thử nghiệm này. Nét đặc trưng của một thử nghiệm liên quan đến khả năng xác định răng không bị bệnh. 93% răng có tuỷ khoẻ mạnh được xác định chính xác bằng cả thử lạnh lẫn thử điện, trong khi đó chỉ có 41% răng có tuỷ khoẻ mạnh được xác định đúng bằng thử nóng. Từ những kết quả thử nghiệm, người ta nhận thấy rằng thử lạnh có độ chính xác là 86%, thử điện là 81% và thử nóng là 71%.

THỬ ĐIỆN

Đánh giá độ sống tuỷ thường được thực hiện bằng thử điện và/hoặc thử lạnh. Độ sống tuỷ được xác định thông qua tính toàn vẹn và khoẻ mạnh của việc cung cấp máu chứ không phải thông qua tình trạng các sợi thần kinh tuỷ. Mặc dù phương pháp này có nhiều ưu điểm do việc xác định tình trạng sống của tuỷ thông qua quá trình cung cấp máu nhưng vào thời điểm hiện tại thì kỹ thuật này vẫn không đủ chính xác để được xem như là thử nghiệm thường quy trên lâm sàng.

Thử điện còn có những hạn chế trong việc cung cấp các thông tin về sự sống của mô tuỷ. Đáp ứng của tuỷ răng trong thử điện không phản ánh tình trạng mô học hoặc bệnh lý của tuỷ răng. Một đáp ứng của tuỷ răng với dòng điện chỉ cho thấy rằng một số sợi thần kinh trong tuỷ răng còn phản ứng và có khả năng đáp ứng. Con số đọc được trên máy có ý nghĩa chỉ khi nó khác biệt nhiều so với con số đọc được ở một răng lấy làm chứng trên cùng bệnh nhân đó khi điện cực được đặt ở vị trí tương tự trên cả hai răng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đáp ứng được ghi lại dưới dạng “có” hoặc “không”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng kết quả thử nghiệm điện hầu hết chính xác khi răng không có đáp ứng với bất kỳ cường độ dòng điện nào. Việc không đáp ứng này thấy được thường xuyên nhất khi tuỷ răng hoại tử.

Máy thử tuỷ sẽ không hoạt động nếu đầu dò không được tiếp xúc hoặc không được nối với mô răng thật. Với sự ra đời của các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trong một số mẫu máy bệnh nhân cần đặt một tay hoặc các ngón tay vào đầu dò của máy để tạo mạch điện; tuy nhiên, hiện nay thay vì để bệnh nhân giữ đầu dò người ta đã thay bằng kẹp môi. Răng được thử nghiệm cần được cô lập và khô. Răng làm chứng (cùng loại răng và vị trí răng với răng được kiểm tra) nhằm cho bệnh nhân biết được thế nào là cảm giác “bình thường”. Răng nghi ngờ cần được kiểm tra ít nhất hai lần để xác nhận lại kết quả. Đầu dò tại vị trí tiếp xúc với răng cần được phủ bởi nước hoặc chất trung gian làm nền. Chất trung gian thường sử dụng nhiều nhất là kem đánh răng. Đặt đầu dò vào một phần ba cắn ở mặt ngoài hoặc trong vùng răng muốn thử nghiệm. Kết quả trên máy thử nghiệm được ghi lại.

Nếu răng được bao phủ toàn bộ bởi mão răng hoặc mang miếng trám lớn thì cần thực hiện “kỹ thuật bắt cầu” để dòng điện đi đến được mô răng tự nhiên. Đầu của cây thăm dò nội nha được phủ bởi kem đánh răng hoặc một chất trung gian phù hợp rồi cho tiếp xúc với mô răng thật. Đầu dò của máy thử tuỷ cũng được phủ bởi một lượng kem đánh răng nhỏ và đặt tiếp xúc với cây thăm dò nội nha. Bệnh nhân sẽ giữ đầu dò còn lại hoặc dùng kẹp môi để hoàn thành mạch điện như đã mô tả ở trên. Nếu như không tìm được vị trí mô răng thật lộ ra ngoài thì cần áp dụng phương pháp thử tuỷ thay thế, chẳng hạn như thử lạnh.

Như đã nói trước đây, các nghiên cứu nhận thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể về kết quả thử tuỷ giữa phương pháp thử điện với thử nhiệt, mặc dù thử lạnh cho thấy đáng tin cậy hơn so với thử điện ở bệnh nhân trẻ tuổi có chóp răng chưa phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, không như thử điện, phương pháp thử lạnh có thể cho biết mô tuỷ khoẻ mạnh và toàn vẹn (chẳng hạn như không đáp ứng, đáp ứng tức thì hay là đáp ứng đau kéo dài sau khi loại bỏ kích thích). Đây là lý do vì sao nên so sánh kết quả giữa các phương pháp để xác minh lại kết quả thử nghiệm. Các phương pháp thử nghiệm được dùng để đánh giá sự cung cấp máu đến tuỷ răng cho đến thời điểm này rất ít tốn thời gian và rất nhạy, thử điện và nhiệt sẽ tiếp tục là những phương pháp cơ bản nhằm xác định sự sống của tuỷ răng.

THỬ ĐIỆN

PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯU LƯỢNG MẠCH DOPPLER LAZER

Đo lưu lượng mạch Doppler Lazer (Laser Doppler Flowmetry – LDF) là phương pháp đánh giá lưu lượng mạch máu trong các hệ thống vi mạch. Người ta vẫn đang nổ lực để áp dụng kỹ thuật này để đánh giá lưu lượng máu của tuỷ răng. Một điôt (diode) được sử dụng để chiếu một chùm ánh sáng hồng ngoại qua thân răng vào buồng tuỷ. Chùm sáng hồng ngoại được phân tán ra khi nó xuyên qua mô tuỷ. Nguyên tắc Doppler là các tia sáng sẽ thay đổi tần số khi di chuyển qua các tế bào hồng cầu nhưng sẽ không thay đổi gì nếu di chuyển qua mô tĩnh. Từ giá trị thay đổi tần số Doppler trung bình sẽ đo được vận tốc di chuyển của hồng cầu.

Một vài nghiên cứu nhận thấy rằng LDF là phương pháp xác định lưu lượng mạch máu tuỷ răng chính xác, đáng tin cậy. Mặc dù vậy kỹ thuật này cũng chưa đủ thuận tiện để có thể sử dụng thường quy trong thực hành nha khoa. Trong một thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên các khuôn dẫn ổn định cho thấy việc đo kết quả LDF mất khoảng 1 giờ, phát hiện này không chỉ được tìm thấy ở nghiên cứu này mà còn thấy ở những nghiên cứu khác. Nếu như có thể phát triển kỹ thuật này sao cho thử nghiệm LDF hoàn thành trong vài phút thì nó có khả năng thay thế được phương pháp thử nghiệm nhiệt và điện.

Với những trường hợp chấn thương gây sai khớp nhất định thì kết quả thử điện và nhiệt sẽ thiếu tính chính xác, lúc này có thể chỉ định LDF để xác định độ sống tuỷ răng.

PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯU LƯỢNG MẠCH DOPPLER LAZER

LƯU LƯỢNG OXY

Ưu điểm của những thiết bị thử nghiệm tuỷ răng như lưu lượng kế Doppler laser là thu thập các dữ liệu khách quan mà không dựa vào những đáp ứng chủ quan của bệnh nhân. Lưu lượng kế Oxy cũng là một thiết bị không xâm lấn khác. Nó được sử dụng rộng rãi trong y khoa và được thiết kế để đo nồng độ oxy trong máu và tỉ lệ lưu lượng oxy. Lưu lượng kế Oxy hoạt động bằng cách truyền hai bước sóng ánh sáng đỏ và hồng ngoại qua một phần cơ thể của bệnh nhân (chẳng hạn như ngón tay, dái tai, hoặc răng). Một số tia sáng được hấp thụ khi đi qua phần mô, lượng ánh sáng được hấp thụ tuỳ thuộc vào tỉ lệ oxy hoá – khử oxy trong hemoglobin máu. Ở bên phía đối điện với mô thử nghiệm, người ta dùng một cảm biến phát hiện ánh sáng hấp thụ, và trên cơ sở sự khác biệt giữa ánh sáng phát tra và ánh sáng thu được sẽ tính toán được tỉ tệ lưu lượng và nồng độ oxy trong máu thông qua một bộ vi xử lý. Sự truyền ánh sáng đến cảm biến đòi hỏi việc nó không bị cản trở bởi miếng trám/ phục hồi – đây đôi lúc cũng là hạn chế của phương pháp đo lưu lượng oxy nhằm thử nghiệm độ sống tuỷ.

Những cố gắng dùng lưu lượng kế oxy để chẩn đoán độ sống tuỷ đã mang lại những kết quả tương tự như ở các thử nghiệm khác. Một vài nghiên cứu báo cáo rằng đo lưu lượng oxy là một phương pháp đáng tin cậy trong việc đánh giá độ sống tuỷ. Những nghiên cứu khác lại phát biểu rằng các loại lưu lượng kế oxy hiện nay không nói trước được liệu có giá trị chẩn đoán độ sống tuỷ răng không. Hầu hết những vấn đề gặp phải liên quan đến công nghệ hiện nay đang sử dụng. Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng dùng những thiết bị này để thử nghiệm tuỷ là quá rườm rà và phức tạp để áp dụng trong thực hành nha khoa thường qui. Tuy nhiên Gopikrishna và cộng sự đã phát triển được một cảm biến có thể đặt trực tiếp lên răng để xác định độ sống tuỷ, và nhận thấy rằng nó chính xác hơn so với thử điện và nhiệt. Những thiết bị này đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá những răng bị chấn thương.

>> Tham khảo: Sự dịch chuyển ống tủy trong điều trị nội nha

THỬ NGHIỆM CẮN

Thử nghiệm gõ và cắn được chỉ định khi bệnh nhân trình bày rằng thấy đau khi cắn. Thỉnh thoảng bệnh nhân có thể không biết răng nào đau khi có áp lực cắn và nhờ vậy thử nghiệm gõ và cắn có thể giúp xác định đúng vị trí răng liên quan. Răng nhạy cảm lúc cắn khi bệnh lý tuỷ mở rộng vào khoảng dây chằng nha chu, hình thành nên viêm nha chu quanh răng, hoặc nhạy cảm có thể xảy ra thứ phát ở răng bị nứt. Bác sĩ thường có thể phân biệt được trường hợp viêm nha chu quanh chóp hay răng nứt hoặc vỡ múi. Nếu như viêm nha chu quanh chóp hiện diện, răng sẽ đau trong thử nghiệm gõ và cắn trên bất kỳ vị trí nào của thân răng. Một răng bị nứt hoặc vỡ múi thì đau chỉ khi gõ hoặc cắn vào một múi hoặc một vùng nào đó của răng.

Để thực hiện thử nghiệm cắn, một thiết bị được sử dụng để bác sĩ đặt áp lực lên một múi riêng lẽ hoặc một vùng răng. Những thiết bị khác nhau được sử dụng cho thử nghiệm cắn, bao gồm tăm bông, tăm xỉa răng, một que nhỏ, mũi đánh bóng cao su. Ngày nay một vài thiết bị đặc biệt được thiết kế cho thử nghiệm này chẳng hạn như Tooth Slooth, Fracfinder (xem hình minh hoạ bên dưới). Như tất cả các thử nghiệm tuỷ khác, răng gần đó nên được sử dụng làm răng chứng để bệnh nhân có thể biết được thế nào là đáp ứng “bình thường”. Đặt đầu thiết bị vào múi răng cần kiểm tra, yêu cầu bệnh nhân cắn lại vào mặt bên kia của thiết bị, áp lực cắn nên được thực hiện từ từ cho đến khi không cắn khít hơn được nữa. Duy trì lực cắn trong một vài giây và sau đó yêu cầu bệnh nhân giảm lực cắn một cách nhanh chóng. Mỗi múi răng đều có thể được thử nghiệm theo cách nói trên. Bác sĩ nên chú ý liệu có phải đau gây ra trong suốt giai đoạn cắn hay là trong lúc giảm nhanh lực cắn. Thông thường răng vỡ múi hoặc nứt sẽ biểu hiện đau khi nhả lực cắn.

THỬ NGHIỆM CẮN

THỬ NGHIỆM TẠO XOANG

Thử nghiệm tạo xoang nhằm đánh giá sự sống tuỷ răng hiện nay hiếm khi được thực hiện. Phương pháp này chỉ được sử dụng khi tất cả những phương pháp khác không thực hiện được hoặc cho kết quả không thuyết phục. Một ví dụ của tình huống cần áp dụng phương pháp này là khi răng nghi ngờ có bệnh lý tuỷ được bọc bởi mão toàn phần. Nếu như không có mô răng lành nào hiện diện để áp dụng kỹ thuật “bắt cầu” bằng máy thử điện và thử nghiệm lạnh cũng không đưa ra được kết quả thoả đáng thì lúc đó cần tạo một xoang loại I qua mặt nhai của mão răng. Xoang này được tạo bởi tay khoan nhanh, mũi khoan tròn số #1 hoặc #2 và được phun nước làm mát trong khi thực hiện. Bệnh nhân không được gây tê trong quá trình thực hiện thủ thuật và sẽ được hỏi rằng liệu có thấy đau khi khoan hay không. Nếu bệnh nhân cảm thấy đau khi mũi khoan tiếp xúc với ngà lành thì thủ thuật chấm dứt và xoang được phục hồi lại ngay lập tức. Cảm giác này chứng tỏ rằng vẫn còn một vài sợi thần kinh trong mô tuỷ, cũng không hẳn là toàn bộ mô tuỷ đều lành mạnh. Nếu bệnh nhân không có bất kỳ cảm giác nào thì chứng tỏ rằng tuỷ răng đã bị hoại tử và cần chỉ định điều trị nội nha.

 

PHƯƠNG PHÁP NHUỘM MÀU VÀ PHƯƠNG PHÁP CHIẾU ĐÈN

Để xác định xem bề mặt răng có vết nứt nào không. Áp dụng phương pháp nhuộm vào một vùng răng thường rất hiệu quả. Sử dụng một đèn chiếu sánh sáng sợi quang vào bề mặt răng cũng rất hữu ích.

thử nghiệm tủy - PHƯƠNG PHÁP NHUỘM MÀU VÀ PHƯƠNG PHÁP CHIẾU ĐÈN

GÂY TÊ CHỌN LỌC

Khi các triệu chứng không khu trú tại một vị trí nào đó thì việc chẩn đoán trở nên rất khó khăn. Đôi lúc bệnh nhân không thể xác định được liệu triệu chứng là từ hàm trên hay hàm dưới. Trong những trường hợp này, khi thử nghiệm tuỷ không phát hiện được răng bệnh thì việc gây tê chọn lọc rất hữu ích.

Nếu bệnh nhân không xác định được đau từ cung hàm nào thì trước tiên bác sĩ nên chọn gây tê hàm trên. Nên thực hiện gây tê dây chằng. Tiêm vào răng sau nhất của góc phần tư hàm nghi ngờ, bắt đầu từ khe nướu phía xa. Sau đó gây tê dần ra phía trước, mỗi răng một lần, nếu đau vẫn không thuyên giảm thì bác sĩ nên lặp lại kỹ thuật như vậy ở các răng hàm dưới. Cần hiểu rằng gây tê dây chằng có thể vô tình làm tê răng kế cận, và vì vậy nó hữu ích trong việc xác định đau ở cung hàm nào hơn là ở một răng cụ thể nào.

 

Theo dõi các bài viết liên quan tới nội nha tại fanpage: Chuyên trang nội nha dành cho nha sĩ tổng quát

Bài đăng lần đầu ngày: 19 Tháng ba, 2020 @ 2:01 chiều

Viết một bình luận

Contact Me on Zalo

RELAX. ENJOY.

Nộp CV của bạn

Đăng ký sửa tay khoan miễn phí