Sau báo cáo của Hội đồng Vật Liệu, Dụng cụ, Trang thiết bị Nha khoa của Hội Nha khoa Mỹ về Glass ionomer đăng trên tạp chí J.A.D.A. năm 1979, glass ionomer được sử dụng ngày càng rộng rãi do nhiều cải tiến về độ trong cũng như đặc tính lý hóa và cơ học, đánh dấu bằng bước tiến phối hợp với resine để gia tăng mối nối vào men răng, tăng tính chịu lực và mài mòn bên cạnh ưu điểm vốn có là bám dính tốt vào ngà răng, phóng thích fluoride, hạn chế sâu tái phát và có tính tương hợp sinh học với mô tủy răng. Glass ionomer ngày nay được dùng nhiều trên lâm sàng như xi măng dán gia tăng lực dính cho mão cầu, vật liệu trám cho cả răng sữa và răng vĩnh viễn ở mọi lứa tuổi, trám thẩm mỹ cho các xoang III và V của răng trước, tái tạo cùi răng cho phục hình, và trám lót. Sử dụng glass ionomer tiện lợi và kết quả tốt, lâu bền nếu áp dụng đúng chỉ định và thực hiện đúng kỹ thuật. Tuy nhiên trên thực tế glass ionomer đôi khi bị lạm dụng, sử dụng không đúng chỉ định hay sai kỹ thuật hướng dẫn của nhà sản xuất. Từ đó, chất lượng miếng trám bị phàn nàn. Bài này nhằm tổng kết một số kinh nghiệm sử dụng glass ionomer trên lâm sàng gồm các trường hợp chỉ định sử dụng, các thất bại cùng nguyên nhân và cách khắc phục hậu quả nhằm giúp phát huy ưu điểm và giảm thiểu tối đa khuyết điểm của vật liệu trám này, giúp các bác sĩ sử dụng dễ dàng và thành công glass ionomer trong thực hành hàng ngày.
1. GIỚI THIỆU
Glass ionomer được A.D. Kent và B.E. Wilson đưa vào sản xuất năm 1972 như là một chất trám thẩm mỹ nhằm thay thế silicate.
Sau báo cáo của Hội đồng Vật Liệu, Dụng cụ, Trang thiết bị Nha khoa của Hội Nha khoa Mỹ về GIC đăng trên tạp chí J.A.D.A. (1979), glass ionomer được sử dụng ngày càng rộng rãi do có nhiều cải tiến về độ trong cũng như đặc tính lý hóa và cơ học, đánh dấu bằng bước tiến phối hợp với resine để gia tăng mối nối vào men răng, tăng tính chịu lực và mài mòn bên cạnh ưu điểm vốn có là phóng thích fluoride giúp hạn chế sâu tái phát. Glass ionomer ngày nay được dùng nhiều trên lâm sàng như xi măng dán gia tăng lực dính cho mão cầu, vật liệu trám cho cả răng sữa, răng vĩnh viễn ở mọi lứa tuổi, tái tạo cùi răng cho phục hình, chất che tủy và trám lót. Sử dụng glass ionomer tiện lợi và kết quả tốt, lâu bền nếu áp dụng đúng chỉ định và thực hiện đúng kỹ thuật.
2. ĐẶC TÍNH CỦA G.I.C
* Công thức Glass ionomer đông cứng nhờ phản ứng hóa học giữa acid (polyacrylic acid) và chất kiềm (alumino-silicate glass). Tóm tắt các giai đoạn đông cứng:
– Dưới tác dụng của acid, ion thủy tinh được phóng thích và di chuyển
– Cation liên kết với nhiều anion thành muối trầm hiện làm hỗn hợp đông rắn lại. – Các muối bị hydrate hóa làm hợp chất càng cứng chắc.
– Polyalkenoic acid và aluminosilicate glass đều có khả năng đa dạng đáng kể. Có nhiều lọai glass ionomer và vật liệu này có tiềm năng phát triển rất mạnh.
– Glass ionomer ngày nay gồm 4 thành phần: hạt thủy tinh, polyacid, tartaric acid và nước. Trong vài công thức, chất bột gồm các hạt thủy tinh mờ, phần chất lỏng là polyacid và tartaric acid. Công thức khác có chất bột là hỗn hợp của bột thủy tinh và polyacid khô, chất lỏng ít nhờn là dung dịch tartaric acid. Vài công thức khác có chất bột là hỗn hợp chung gồm cả tartaric acid, còn chất lỏng chỉ đơn thuần là nước. Loại glass ionomer thế hệ đầu đông đặc chậm và miếng trám dễ bị hư trong môi trường ẩm, độ cứng dẽo thấp và dễ bị mài mòn ở vùng chịu nhiều lực nhai. do vậy giới chuyên khoa không thích sử dụng. Ngày nay nhằm cải tiến tính chất vật lý của Glass ionomer, người ta thêm với nồng độ khác nhau các chất như tartaric acid, polyacrylic acid phân tử lớn và nồng độ cao, aluminum oxide, titanium oxide, zirconium oxide, aluminum titanate, calcium aluminum fluorosilicate, bột bạc…. Sợi kim loại hay bột amalgam cũng được thêm vào để gia tăng tính chịu lực của glass ionomer. McLean and Gasser cải tiến glass ionomer bằng cách thêm vào nhiều bột thủy tinh kim loại. Titanium oxide 5% dùng cải thiện màu. Qua các cải thiện này, tính chất của glass ionomer thay đổi thấy rõ. Tính cứng chắc tốt nhiều nhưng vẫn còn thấp hơn composite và amalgam. Do đó, sử dụng cho các xoang loại II to không phù hợp. Glass ionomer rất phù hợp trám cho răng trẻ em và người lớn tuổi do tính sử dụng dễ dàng, đông cứng nhanh, độ cứng cải tiến, bám dính rất tốt vào ngà răng và nhất là phóng thích fluoride.
* Đặc tính
– Bám dính tốt với ngà răng: Glass ionomer bám dính tốt với ngà răng ngoài mối nối với ion calcium, glass ionomer còn nối vào cấu trúc men răng qua mối nối với amino acid và với gốc carboxyl của nhóm collagen. Gần đây, glass ionomer còn được cải tiến thêm mối nối resin 4 META monomer.
– Bám dính tốt với men răng: Mitra cải tiến glass ionomer với resin là bước nhảy vọt về đặc tính của chất trám này làm tăng tính bám dính vào men răng do resin. Điều quan trọng khó thực hiện là trong thời gian chiếu đèn, xoang phải không được khô quá hay ướt quá. Thời gian đông 5 phút cũng được cải tiến bằng quang trùng hợp nhanh hơn mà lợi điểm phóng thích fluoride và mối nối vững chắc vào ngà răng vẫn không bị ảnh hưởng. Điều này giúp glass ionomer trở thành vật liệu trám góp phần quan trọng trong ngành Nha (Simonsen).
– Hạn chế vi kẽ: Ngày nay nhờ phối hợp resin, glass ionomer cải tiến được dùng làm vật liệu che tủy và hệ thống dán cho các vật liệu khác như amalgam. Hạn chế vi kẽ tùy thuộc kỹ thuật lâm sàng như phải làm sạch lớp ngà mềm, không để xoang ướt hay quá khô vì quá trình đông của glass ionomer cần nước.
– Tương hợp sinh học với tủy: Mo tủy răng có độ dung nạp glass ionomer rất cao. Polyalkenoic acid của glass ionomer là loại acid yếu, chuỗi phân tử dài và phức tạp, ít chui vào ống ngà, ngoài ra ngà răng còn có tính trung hòa acid rất hữu hiệu. Ngày nay người ta sử dụng chất dẫn suất từ glass ionomer trong phẫu thuật làm chất thay thế xương, và thấy cơ thể dung nạp xi măng này rất tốt. Các nghiên cứu cho thấy sau khi trám, tủy răng phản ứng bằng cách viêm rất nhẹ và hồi phục chỉ sau vài ngày.
– Phóng thích fluoride: Glass ionomer phóng thích fluoride giúp răng khó tan trong acid, gia tăng quá trình tái khoáng và thay đổi thành phần mảng bám vi khuẩn quanh miếng trám. Chính nhờ đặc tính này, glass ionomer có ưu điểm ngăn ngừa sâu tái phát. Có nhiều nghiên cứu cho thấy vùng tái khoáng và ngà thứ cấp hình thành bên dưới miếng trám glass ionomer. Một đặc điểm đáng chú ý của miếng trám glass ionomer là khả năng hấp thụ fluoride từ các nguồn fluoride tại chỗ như trong kem đánh răng, nước súc miệng… và phóng thích ion fluoride khi nồng độ pH giảm. Sealant glass ionomer bám dính trên mặt men răng thấp hơn sealant composite, nhưng nhờ tính phóng thích fluoride nên ngừa sâu răng tốt. Nhờ đặc tính này, glass ionomer được chỉ định trám tạm cho hàng loạt răng ở các bệnh nhân có nguy cơ sâu răng cao, sau đó mới từ từ trám lại theo đúng chỉ định từng răng.
– Giảm sâu tái phát: Nhờ glass ionomer phóng thích fluoride tại bờ miếng trám và nối được vào men nhất là ngà răng, giảm thiểu tối đa vi kẽ cho nên glass ionomer ngăn ngừa sâu tái phát. Kỹ thuật Sandwich, ứng dụng tính ngăn ngừa sâu răng tái phát của glass ionomer, cho những vùng răng chịu lực nhai mạnh. Tính hiếu nước của glass ionomer khiến vật liệu này giống mô răng và ổn định trong môi trường nước bọt hay dịch nướu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đông cứng (khoảng 5- 15 phút sau khi trám tùy loại glass ionomer của các hãng sản xuất) sẽ có hiện tượng hủy hoại của xi măng nếu trong xoang trám có nhiều nước. Nước cản trở sự đông cứng của xi măng, làm yếu các mối nối phân tử, giảm độ cứng của xi măng. Phần miếng trám nằm sâu bên dưới bị ảnh hưởng nhiều hơn. Vì vậy, cần cô lập xoang, không cho vật liệu tiếp xúc với nước bọt, dịch nướu và máu trong khi trám. Và ngay sau khi trám, cần thoa lớp vẹc ni để bảo vệ miếng trám không cho tiếp xúc với nước quá sớm. Sau đó, do tính ái thủy, nếu không được giữ trong môi trường ẩm thì Glass ionomer sẽ co lại, bề mặt miếng trám có màu trắng đục hoặc các đường rạn hay nứt. Nên cần thoa lớp vẹc ni để bảo vệ các miếng trám glass ionomer khi điều trị các răng khác, cũng như khi đánh bóng miếng trám cần xịt nước liên tục. Đây là yếu điểm của xi măng glass ionomer. Các nhà sản xuất cố gắng liên tục để cải tiến tính chất ái thủy này của glass ionomer. Qua một tháng sau khi trám, miếng trám glass ionomer trở nên ổn định trong môi trường nước và không khí.
3. CÁC LOẠI G.I.C. CÓ TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM * LOẠI G.I.C. DÁN MÃO, TRỤ CẦU VÀ MẮC CÀI
– GC: Fuji Plus là loại resin reinforced glass ionomer, có tính hàn kín các ống ngà răng, làm giảm sự nhạy cảm sau khi dán mão cầu.
– GC. Fuji ortho LC dùng dán mắc cài chỉnh nha.
* LOẠI TRÁM THẨM MỸ, CHỊU LỰC GC.: Fuji II LC có phối hợp resin, quang trùng hợp, phù hợp cho xoang V và sâu chân răng, có thể trám các răng sau răng vĩnh viễn trừ xoang II kép và tái tạo cùi răng, sắc trong và có nhiều màu. Fuji IX phù hợp cho kỹ thuật trám răng không sang chấn (ART). Fuji IX GP được cải tiến để chịu lực, có thể trám các răng sau răng vĩnh viễn và tái tạo cùi răng trừ xoang II kép. Vitremer tri-cure của hãng 3M là chất trám cho các loại xoang, kể cả tái tạo cùi răng trừ xoang II răng vĩnh viễn. ChemFlex của hãng Densply là loại có phối hợp resin, độ chịu lực cao. Sử dụng vừa trám lót hay trám vĩnh viễn và tái tạo cùi răng. Trám lót dùng muỗng bột nhỏ. Trám vĩnh viễn dùng muỗng bột lớn để tăng độ cứng của miếng trám.
4. HỆ THỐNG DÁN (LƯU HÓA HỌC)
Fuji Bond LC của hãng GC. là loại glass ionomer quang trùng hợp dùng che tủy và làm hệ thống dán cho các miếng trám composite, amalgam. 3M TMVitrebondTM liner/base quang trùng hợp có chức năng như Fuji Bond LC SEALANT:
– Fuji III của hãng GC. Tại thị trường Việt Nam có các màu thông dụng cho răng người Việt như A2, A3, A3,5, B2, B3 5.
5.KỸ THUẬT TRÁM VƠI GLASS IONOMER
So màu răng. Cô lập răng, có đê cao su thì rất tốt, tránh tối đa nguy cơ chảy máu nước bọt hay dịch nướu vào xoang. Sửa soạn xoang: Xoang do mài mòn, khuyết hình chêm thì chỉ làm sạch. Xoang sâu răng thì lấy sạch ngà mềm bằng dụng cụ thông thường. Nếu có thể tạo thêm bám dính cơ học càng tốt để tăng thêm tính bám dính. Ở nơi ngà chỉ còn phủ lên tủy ít hơn 0,5 mm, một số tác giả khuyên chấm lên đó một lớp calcium hydroxide, không chấm rộng vì như vậy làm giảm bề mặt bám dính của miếng trám. Ngày nay có tác giả khuyên không dùng calcium hydroxide mà chỉ lót một lớp glass ionomer che tủy là đủ (loại glass ionomer lỏng hơn loại trám) Thoa một lớp conditioner để lấy sạch lớp ngà mềm. Theo lý thuyết, 25% polyacrylic acid trong 10 giây cho sang thương mòn ngót, 25% tannic acid trong 30 giây cho sang thương sâu răng hay mão, trụ cầu nhằm ngăn chặn mở trống đầu ống ngà, tránh ê buốt sau khi điều trị nhưng vẫn sạch lớp ngà mềm. Rửa và thổi khô xoang, nhưng không được quá khô. Trộn bột và chất lỏng glass ionomer theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bơm hay nhồi glass ionomer vào xoang. Sử dụng đai celluloid. Lấy phần xi măng dư trào ra ngoài. Chờ glass ionomer đông cứng theo thời gian hướng dẫn của nhà sản xuất. Gở nhẹ đai. Thoa vẹc ni tránh mất nước. Nhìn bằng kính phóng đại, đèn sáng, dùng dao bén cắt phần glass ionomer dư. Thoa lại vẹc ni. Đánh bóng vào lần hẹn sau tốt hơn đánh bóng ngay để miếng trám cứng đủ, tránh tổn hại miếng trám. Nếu cần điều chỉnh mặt nhai, chỉ dùng mũi khoan kim cương loại hạt mịn có nước phun. Thoa lại lớp vẹc ni. Lần hẹn sau đánh bóng bằng giấy nhám, đài cao su, bột đánh bóng có phun nước. Thẩm mỹ của miếng trám glass ionomer được cải tiến nhờ vào độ trong và màu tương đối bền vững. Độ trong đạt được tối đa ít nhất một tuần sau khi trám. Thông thường, màu chọn theo vĩ so màu VITA. Nếu có tất cả màu thì tốt nhất, nếu khả năng giới hạn, A2 và A3 và A3,5 là màu thường sử dụng cho răng người Việt.
6. SỬ DỤNG G.I.C. TRÊN LÂM SÀNG
* RĂNG SỮA
– Dự phòng: Sealant glass ionomer mặc dù tính bám dính trên men thấp hơn sealant composite, nhưng nhờ tính phóng thích fluoride phòng ngừa sâu răng tốt. Thường khi sử dụng sealant glass ionomer, người ta dùng mũi khoan hình tròn nhỏ chạy theo trũng rãnh mở chỉ hơi rộng cho sealant dễ chui vào trũng rãnh.
– Điều trị: Tất cả các loại xoang cho răng sữa có thể sử dụng glass ionomer làm chất trám tốt. Do rất dễ sử dụng cho trẻ em, nhiều bác sĩ Răng Hàm Mặt không chú ý giai đoạn hoàn tất miếng trám như kiểm tra khớp cắn, đánh bóng miếng trám, trám dư bờ nướu của xoang II…
* RĂNG VĨNH VIỄN
Cần chú ý tôn trọng hàm lượng nước và bột theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Giữ khô vùng nối giữa miếng trám
– Răng
Răng và đường hoàn tất, không bị dính máu hay nước bọt trong thời gian đông của glass ionomer, bôi một lớp conditioner hay chất lỏng có acid của glass ionomer để lấy sạch lớp mùn ngà trước khi trám hay dán mão cầu. Xi măng dán mão và trụ cầu inlay và mắc cài chỉnh nha. Mặc dù tính tương hợp sinh học cao nhưng cũng có một số trường hợp răng bị nhạy cảm sau khi trám, nhất là khi sử dụng để dán mão cầu, nhưng nghiên cứu cho thấy độ nhạy cảm của răng đối với glass ionomer thấp so với zinc phosphate, zinc polycarboxylate hay composite. Răng chết tủy tỉ lệ rất thấp. Thời gian đông của glass ionomer nhanh cho nên đánh xi măng phải nhanh, không trộn theo vòng tròn quá lớn, hỗn hợp phải đồng nhất. Thời gian đánh từ 40 đến 60 giây theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tỉ lệ bột và chất lỏng nên theo hướng dẫn. Tuy nhiên nếu cầu răng dài nên đánh xi măng hơi lỏng hơn, chất lượng xi măng không thay đổi lắm. Dán cầu nên quét thêm một lớp mỏng lên trụ cầu trước khi đặt mão với lớp xi măng bên trong. Dùng bay nhọn và bén lấy xi măng dư ngay khi bắt đầu giai đoạn đông cứng, phải nhanh tay, nếu không xi măng rất cứng, khó lấy sạch quanh răng. Phải chắc chắn xi măng dư được lấy sạch.
– Che tủy:
+ Có hai quan niệm khác nhau về che tủy. Quan niệm thứ nhất cho rằng các miếng trám composite cần lớp glass ionomer bên dưới để tránh kích thích tủy do tính tương hợp sinh học của glass ionomer. Quan niệm khác lại cho là nếu miếng trám resin đúng kỹ thuật, có hệ thống dán tốt thì không cần dùng thêm chất nào khác để bảo vệ tủy.
+ Trường phái thứ nhất sử dụng glass ionomer loại lỏng hơn loại dùng làm vật liệu trám để dễ đặt vào đúng vùng cần che tủy và tránh lực ép cơ học gây xung huyết tủy và gây đau sau khi trám.
+ Aviva và Peter còn sử dụng glass ionomer dưới miếng trám composite để dự phòng và điều trị nhạy cảm sau khi trám.
– Trám lót:
+ Nha khoa hiện đại đang tìm một vật liệu trám thẩm mỹ, phục hồi chẳng những chức năng mà còn hình dáng và màu sắc bình thường của răng. Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn vẫn cho là các vật liệu trám kim loại như amalgam hay inlay kim loại vẫn là tốt nhất cho các răng cối chịu nhiều lực nhai, nhất là ở các răng có xoang lớn và sâu. Các xoang này cần có lớp trám lót bên dưới có đặc tính tương tự ngà răng. Hiện nay, glass ionomer được xem là chất trám nền lý tưởng nhờ các đặc tính của loại vật liệu này.
+ Không cần sửa soạn xoang đặc biệt cho chất trám lót, không làm ngàm cơ học, chỉ cần lấy sạch ngà mềm. Nên chờ sau 24 giờ để glass ionomer đông cứng hoàn toàn mới chuẩn bị cho lớp trám bên trên.
– Xoang I: Glass ionomer dùng để trám có thời gian đông cứng chậm hơn loại dùng trám lót. Các loại thế hệ sau có độ trong phù hợp màu răng và chịu lực tốt. Tuy nhiên nếu xoang tại nơi chịu lực chính của các răng cối lớn hay xoang quá to, tốt nhất glass ionomer chỉ đóng vai trò chất trám nền vơí lớp composite, amalgam hoặc inlay bên trên. Ngày nay theo các nhà sản xuất, loại glass ionomer có phối hợp resin đủ độ bền để chịu lực cho các xoang này.
– Xoang II một mặt: Xoang II đơn nếu ở vào các vị trí có thể dùng mũi khoan tròn nhỏ đi vào tạo xoang trám được như ở gần khoảng mất răng, hoặc mở xoang từ mặt bên phía trong hay phía ngoài. Bơm glass ionomer vào xoang, dùng đai celluloid ép chặt chất trám vào vách xoang hổ trợ cho lực nén bằng bay hay nhồi phù hợp kích cỡ của xoang. Glass ionomer là vật liệu thích hợp cho các xoang này vì miếng trám không chịu lực nhai.
– Phương pháp đường hầm: Nếu không có được ưu thế như trường hợp trên, phương pháp đường hầm mở xoang được khuyến khích. Mũi khoan tròn mở xéo từ mặt nhai xuống xoang II . Nhồi glass ionomer sau khi bơm mạnh vào xoang có sử dụng đai celluloid. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu glass ionomer không bít kín xoang, nhưng nhờ miếng trám phóng thích và tái dự trữ fluoride từ các nguồn fluoride tại chỗ, men và ngà răng chung quanh miếng trám gia tăng tái khoáng.
– Phương pháp Sandwich: Do tính ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn vào tủy qua đường vi kẽ và qua lớp ngà mềm còn sót lại ở xoang, theo quan niệm các nhà điều trị nha khoa, đặt glass ionomer làm lớp che tủy hay trám lót vẫn tốt cho răng hơn các chất trám khác. Tuy nhiên do tính dòn của xi măng, lớp glass ionomer ở đường tiếp nối thành xoang trám bị bể. Để phát triển tính ưu việt và khắc phục nhược điểm của glass ionomer nhất là cho các xoang I và II lớn, kỹ thuật Sandwich được chỉ định. Nguyên tắc của kỹ thuật này giống như sử dụng glass ionomer trám lót cho inlay hay amalgam bên trên, chỉ khác là lớp glass ionomer được trám đầy hoàn toàn phần bên dưới xoang, nối ra thành xoang, theo đúng hình dạng giải phẫu răng phần bên dưới điểm lồi tối đa (xoang II kép). Các bệnh nhân có loại xoang này thường là người có nhiều răng sâu, xoang sâu lại lớn. Do đó, họ rất cần ưu điểm phóng thích fluoride của miếng trám glass ionomer. Thực hiện phương pháp Sandwhich trong đó glass ionomer đóng vai trò miếng trám bên dưới. Các giai đoạn trám giống như bình thường nhưng miếng trám không đầy xoang mà chừa phần cho lớp composite bên trên. Sau khi glass ionomer đông cứng, sửa soạn xoang bình thường cho miếng trám composite. Ngoài xoang I và II vỡ lớn, kỹ thuật Sandwich phù hợp cho sâu hay mòn cổ răng, thường dùng cho bờ nướu của xoang trám nơi không có men răng.
– Xoang III và xoang V:
+ Chọn màu khi răng chưa thổi khô. Tuy nhiên nếu răng có yêu cầu thẩm mỹ quá cao nên chọn composite. Một tuần sau khi trám, glass ionomer sẽ trong và hợp với màu răng hơn.
+ Xoang V nhất là xoang dưới nướu rất dễ bị ướt nước bọt và máu. Sử dụng chỉ co nướu nếu cần. Các xoang này bờ nướu thường không có men răng, do đó miếng trám glass ionomer hay phương pháp Sandwich rất phù hợp.
– Mòn cổ răng hình chêm:
+ Thường hay gặp ở cả người trẻ và người lớn tuổi. Mức độ ê buốt của mòn cổ răng không tỉ lệ với độ sâu của sang thương.
+ Ở người trẻ tuổi, vùng mòn ngót nông, ảnh hưởng đa phần trên men nhưng do bệnh nhân cảm thấy ê buốt cần trám, composite phù hợp hơn nhờ tính bám dính tốt trên men răng, do đó hạn chế mài răng và yêu cầu thẩm mỹ cao.
+ Khi vùng mòn ngót rộng và sâu xuống dưới ngà răng, glass ionomer là chất trám thích hợp nhất trong các vật liêu trám hiện tại do tính bám dính tốt vào ngà răng. Tiện lợi cho nhóm bệnh nhân lớn tuổi, khó há miệng lâu và không kềm chế phản xạ ho và sặc.
+ Nên dùng mũi khoan tròn nhỏ hay trung. Chạy quanh đường viền xoang. Thêm 2 rãnh dọc theo thành nướu và thành nhai để gia tăng phần lưu của miếng trám. – Tái tạo cùi: Glass ionomer là chất thích hợp để tái tại cùi răng cho các răng sống do tính tương tự ngà răng. Tuy nhiên, nếu các răng trụ hay răng cần bọc mão là răng chết thì nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho composite là phù hợp hơn. Trường hợp răng cần bọc hay răng trụ còn ít nhất là hai vách men răng để chịu lực nhai, không có ngà nâng đỡ bên dưới, thì glass ionomer có thể sử dụng sau khi đặt chốt kim loại vào ống tủy.
– Sâu chân răng:
+ Do vị trí xoang sâu, chỉ định vật liệu trám cho loại sang thương này khá hạn chế. Xoang sâu thường vào gần tủy và khó sử dụng mũi khoan vào đến xoang để sửa soạn xoang trám và tạo lưu cơ học. Hơn nữa, thành xoang không có hoặc có ít men răng lành mạnh. Đôi khi một số răng trước cũng cần thẩm mỹ. Do đó, glass Ionomer là chất trám phù hợp cho sâu chân răng.
+ Xoang sâu thường đi kèm nha chu viêm, cần điều trị nha chu ít nhất là hết tình trạng viêm nướu trước khi trám. Trước tiên phải lấy sạch vôi dưới và trên nướu. Nếu cần nạo túi và cạo láng gốc răng. Cần kiểm soát mảng bám, do bác sĩ và bệnh nhân thực hiện, để nhìn rõ được xoang sâu, loại trừ tình trạng nướu viêm và ngừa chảy máu khi trám làm ảnh hưởng chất lượng miếng trám.
+ Cần thấy rõ xoang để dễ lấy sạch ngà mềm và dễ đặt vật liệu trám. Lấy sạch ngà mềm bằng cây nạo ngà hay mũi khoan tròn. Nếu có thể được, gia tăng bám dính cơ học bằng mũi khoan tròn chạy vòng theo thành, sát đáy xoang.
+ Chú ý xoang rất dễ ướt nước bọt hay máu. Nếu xoang ướt, độ bền của miếng trám giảm hẳn. Nên dùng ống bơm G vào xoang cho vật liệu có thể vào sát các góc xoang. Sau đó nhồi glass ionomer bằng cây nhồi và bay. Ép đai celluloid rất cần thiết để ép glass ionomer chặt vào xoang và loại trừ chất trám dư.
– Trám tạm theo dõi:
+ Một số trường hợp bệnh nhân trẻ đến phòng điều trị nha khoa với một xoang sâu ngà sâu, thậm chí sừng tủy đã bị lộ nhưng hoàn toàn chưa có triệu chứng đau nhức tự phát. Nếu lấy sạch ngà mềm để sửa soạn xoang trám thì chắc chắc sẽ lộ tủy; các vật liệu trám khác, ngoài glass ionomer và composite lỏng, rất dễ gây đau nhức sau khi trám do lực nén khi bác sĩ nhồi miếng trám vào xoang. Đây là trường hợp khó quyết định nên hay không nên điều trị tủy để tránh đau nhức cho bệnh nhân mà không quyết định quá vội vã.
+ Nhờ vào khả năng hồi phục tủy răng ở bệnh nhân trẻ rất tốt, nếu như lưỡng lự nên hay không bảo tồn tủy răng, tốt nhất nên dùng glass ionomer lỏng quang trùng hợp để che tủy, tránh lực ép vào tủy răng, sau đó trám tạm bằng glass ionomer bên ngoài, theo dõi khoảng 4 tháng. Nhờ khả năng phóng thích fluoride, răng được tái khóang. Do đó, ở các răng tủy phục hồi tốt sau 4-6 tháng, lớp ngà thứ cấp nâu cứng bao quanh bảo vệ sừng tủy, sẵn sàng cho việc sửa soạn xoang trám vĩnh viễn.
+ Trong vòng 4-6 tháng theo dõi, nếu tủy chết thì điều trị tủy. Nên giải thích tường tận mục đích của việc trám theo dõi để tránh bệnh nhân hiểu lầm răng đã trám mà vẫn còn đau.
7. CÁC THẤT BẠI THƯỜNG GẶP VÀ NGUYÊN NHÂN
* SAI CHỈ ĐỊNH
– Xoang II lớn: Các xoang II lớn hai hay ba mặt (gần, nhai và xa), Glass ionomer không chịu nổi lực nhai, do đó sẽ vỡ miếng trám. Đây là lý do thất bại do sai chỉ định của nhà sản xuất.
– Nơi chịu lực nhai mạnh: Dù ngày nay glass ionomer được cải tiến để chịu được lực nhai, dù quãng cáo của nhà sản xuất là glass ionomer chịu lực nhai ngang composite, nhưng glass ionomer vẫn là xi măng và vẫn còn ít hay nhiều khuyết điểm của xi măng là dòn và kém chịu lực. Do đó, hướng dẫn của các nhà sản xuất thường vẫn chống chỉ định cho các xoang II hay I nơi chịu nhiều lực nhai. Do dễ sử dụng, đồng thời quá tin vào quãng cáo, một số bác sĩ nha khoa sử dụng glass ionomer là chất trám duy nhất cho các xoang II vỡ lớn. Vài tháng sau, miếng trám bị bể rìa, gãy múi răng hay gãy một phần miếng trám.
* SAI KỸ THUẬT
– Xoang ướt do máu và nước bọt:
+ Xoang ướt trước khi đăt miếng trám, trong lúc ép băng celluloid, thời gian miếng trám bắt đầu đông cứng đều ảnh hưởng không tốt đến chất lượng miếng trám.
+ Các trường hợp sau đây thường đưa đến tình trạng xoang bị ướt máu và nước bọt:
– Xoang dưới nướu.
– Xoang ở nơi không nhìn rõ được cho nên không kiểm soát mũi khoan khi mài, do đó mũi khoan cắt vào nướu:
+ Nướu viêm chưa được điều trị trước khi trám
+ Không cô lập răng kỹ, không hút nước bọt trong lúc trám. Trong các trường hợp này nên điều trị nướu viêm trước, sử dụng chỉ co nướu nếu cần. Chú ý cô lập răng nếu có đê cao su thì tốt nhất. Nếu vì lý do nào không thể cô lập xoang khỏi nước bọt và máu lần hẹn đó, thì chỉ nên trám vào lần hẹn sau.
– Xoang thổi quá khô: Trong giai đầu đông cứng, glass ionomer có hấp thu nước nhưng lượng rất ít. Do đó trên lâm sàng nếu thổi xoang quá khô cũng làm ảnh hưởng độ bền của miếng trám. Hướng dẫn của các nhà sản xuất đều khuyên không nên thổi xoang quá khô.
– Ép không chặt, không khít bờ xoang: Xoang bị sâu tái phát do hở bờ hay miếng trám không khít sát vào xoang. Nên dùng loại glass ionomer chứa trong con nhộng để bơm vào các hốc, nếu có, của xoang. Các kích thước khác nhau của bay và nhồi nên phù hợp kích thước của xoang. Lúc nào có thể được, nên sử dụng đai celluloid để tăng thêm lực nén lên miếng trám chi khít sát hơn.
– Cắt sớm phần dư trong thời gian miếng trám vừa bắt đầu đông: Cắt sớm phần dư lúc xi măng ở trạng thái bắt đầu đông bằng dao hay dụng cụ không bén, nhất là cắt theo hướng từ bờ xoang vào rất dễ làm bong miếng trám, vật liệu trám không còn khít sát vào thành xoang hoặc xi măng bị “xé” hay bị “vặn mình” không còn là một khối chặt chẽ. Để tránh trường hợp trên, giữ đai celluloid trong khoảng 4 phút, tháo đai nhẹ và cắt phần xi măng dư, dùng dao hay dụng cụ bén và nhớ cắt theo chiều từ giữa miếng trám hướng về thành xoang.
– Không đánh bóng miếng trám: Tạo điều kiện cho mãng bám vi khuẩn phát triển, thức ăn dễ đọng quanh đường ranh giới của miếng trám, dễ sâu tái phát.
–Không thoa vecni theo hướng dẫn của nhà sản xuất: Điều này khiến cho miếng trám dễ bị nước làm hư. Ngày nay các hãng sản xuất cố gắng nghiên cứu glass ionomer không cần vecni.
– Vết rạn nứt trên bề mặt miếng trám: Do tính ái thủy của glass ionomer, nếu đánh bóng miếng trám không xịt nước liên tục hoặc do thổi khô miếng trám trong giai đoạn tiếp tục quá trình đông cứng khoảng một tháng, miếng trám có nhiều lằn rạn nhỏ li ti trên bề mặt. Mặc dù các loại glass ionomer về sau đã được cải thiện tính chất này, nhưng các nhà sản xuất vẫn khuyên không nên thổi khô miếng trám glass ionomer trong vòng 2 tháng đầu sau khi trám.
– Không tôn trọng hình dáng giải phẫu học của răng: Cũng giống như bất kỳ miếng trám nào, hình dáng giải phẫu học của răng cần tôn trọng để đạt chức năng tối đa, tránh hiện tượng nhồi nhét thức ăn, tránh chấn thương khớp cắn. Vi phạm vào các điều này gây đau do giắt thức ăn vùng kẽ hoặc do chấn thương khớp cắn, bể miếng trám…
– Miếng trám dư: Nhất là ở bờ nướu của xoang II, III và V gây giữ thức ăn, viêm nướu, hội chứng vùng kẽ hoặc bể miếng trám khi bệnh nhân dùng chỉ nha khoa làm vệ sinh vùng kẽ. Tóm lại: do các ưu điểm sẵn có của glass ionomer, rất nhiều hãng sản xuất Nha khoa ngày nay có sản phẩm trên thị trường của loại vật liệu này. Bên cạnh đó, nhược điểm của glass ionomer ngày càng được cải tiến để trở thành chất trám thông dụng trong ngành Nha. Do tính đa năng của glass ionomer, loại vật liệu này ngày càng trở nên trông dụng. Sau ít nhất 7 năm sử dụng glass ionomer, chúng tôi thấy đây là loại vật liệu có nhiều ưu đểm trên lâm sàng nếu ta tôn trọng hướng dẫn của nhà sản xuất, giúp công việc của người bác sĩ nhanh hơn, hiệu quả hơn và bệnh nhân cũng được lợi hơn.
Nguồn: Tổng hợp Internet
Người biên soạn: Bàn Chải Đánh Rằn
Người chia sẻ: Nha Tài
Bài đăng lần đầu ngày: 1 Tháng hai, 2020 @ 3:34 sáng