Bạn thích làm phục hình gắn cement hay phục hình bắt vít trên implant hơn?
Có thể bạn sẽ có thiên hướng thích loại này hơn loại kia hoặc ngược lại. Tuy nhiên vì mỗi loại trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, do đó trên thực tế bạn cần phải thích nghi tốt với cả hai loại phục hình này.
Lý do rất đơn giản: giả sử như bạn thích phục hình bắt vít hơn, vấn đề sẽ là không phải lúc nào nó cũng đạt về mặt thẩm mỹ. Chẳng hạn như khi bạn phải phục hình các răng cửa hàm trên mà lỗ vặn vít lại nằm ở mặt ngoài.
Không phải lúc nào phục hình bắt vít cũng có thể đạt được thẩm mỹ
Ngược lại, với phục hình gắn cement, hãy tưởng tượng bạn phải làm sạch cement quanh mão răng cối lớn hàm trên implant có đường vào bị hạn chế.
Đường vào hạn chế có thể gây khó khăn trong việc làm sạch cement
Vậy thì vấn đề của cement và implant là gì? Điều mấu chốt nằm ở chỗ nếu bệnh nhân của bạn nhạy cảm với mảng bám thì những phần cement thừa mà bạn để sót sẽ dẫn đến viêm quanh implant. Có thể bạn sẽ cho rằng “Ừm, nhưng mà tui đã làm phục hình gắn cement trên implant nhiều năm rồi và chưa gặp vấn đề gì”. Nếu như vậy thì bạn cũng cần biết là đôi khi phải cần đến 8 năm để bệnh lý viêm quanh implant do cement bắt đầu biểu hiện rõ. Bên cạnh đó, đã có những nghiên cứu cho thấy hầu hết nha sĩ đều không giỏi trong việc làm sạch cement dư như ta vẫn nghĩ. Và bây giờ chúng ta bắt đầu gặp vấn đề.
Đôi khi chúng ta không thể làm sạch cement dư tốt như chúng ta vẫn nghĩ
Vậy thì chúng ta cần phải làm gì? Sau đây là một số lời khuyên để giúp bạn cải thiện những vấn đề nói trên:
1. Thực hiện phục hình bắt vít khi có thể
Vâng, lỗ vặn vít luôn có thể đóng lại một cách thẩm mỹ, mặc dù có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện. Ngoài ra không có nhược điểm cụ thể nào khác với phục hình bắt vít. Và điều ta nhận thì lại rất lớn, đó là bớt được nguy cơ sót cement dư. Bên cạnh đó, phục hình cũng sẽ dễ tháo ra hơn khi cần thiết.
Giải pháp lỗ vặn vít gập góc mới giúp khắc phục những trường hợp không thuận lợi
2. Đặt đường hoàn tất nông với phục hình gắn cement
Không bao giờ đặt đường hoàn tất sâu dưới nướu quá 1mm. Nếu có thể hãy đặt đường hoàn tất trên nướu.
Đường hoàn tất trên nướu giúp dễ làm sạch cement
3. Sử dụng cement dễ làm sạch và cản quang
Với mình thì điều này có nghĩa là mình sẽ không dùng cement gốc nhựa (resin cement). Vì các cement gốc nhựa, dù là loại dễ làm sạch cũng đều khó lấy hơn so với GIC có hạt độn nhựa (RMGI). Điều mấu chốt là cần đợi đến thời điểm thuận tiện để làm sạch cement. Mình thà bắt đầu hơi chậm một chút còn hơn là quá sớm. Vì nếu bắt đầu lấy cement dư quá sớm thì ta sẽ làm vấy lung tung ra xung quanh và thậm chí còn khó để làm sạch hơn.
Đôi khi thiết kế phục hình gây khó khăn cho việc làm sạch cement. Với cement gốc nhựa, có độ dán tốt lên trụ phục hình, ưu điểm có thể trở thành nhược điểm
Xem thêm: Giải phẫu xương hàm dưới
4. Chụp phim kiểm tra sau khi gắn
Mục đích là để kiểm tra cement dư và làm tư liệu đánh giá mức mào xương sau khi gắn phục hình.
Chụp phim sau khi gắn phục hình có thể giúp phát hiện cement dư sớm hơn
5. Thiết kế phục hình sao cho dễ làm sạch
Nếu bạn không thể làm sạch được cement dư, thì không phải chỉ có bạn không làm sạch được mà bệnh nhân của bạn cũng vậy. Trường hợp bệnh nhân của bạn nhạy cảm với mảng bám nữa thì coi như xong phim. Chẳng hạn như mão răng gắn cement trên implant dưới đây.
Thiết kế của phục hình cản trở việc phát hiện và làm sạch cement dư
Thậm chí ngay cả khi bệnh nhân và nha sĩ có khả năng kiểm soát để làm sạch quanh implant thì cũng có bằng chứng cho thấy chúng ta vẫn chưa thật sự làm tốt điều đó.
Hãy tưởng tượng mọi chuyện sẽ tồi tệ tới mức nào nếu như ta thực hiện một phục hình gắn cement không thể làm sạch được. Đó là ta có thể “thất lạc” một chút “hành lý” kiểu như thế này quanh phục hình.
Nguồn: B.s Ngọc Hải. Biên dịch theo bài viết của Bs John Carson (Spear Education)
Bài đăng lần đầu ngày: 25 Tháng Một, 2019 @ 5:33 chiều