Việc xác định chiều dài làm việc (WL: working length) là một trong những điều cốt yếu quyết định sự thành công của điều trị nội nha. Hiện nay có khá nhiều phương pháp giúp Bác sĩ xác định chiều dài của chóp một cách chính xác, hãy xem đây là những phương pháp nào.
1. KỸ THUẬT X-QUANG
X-quang là một công cụ không thể thiếu trong quá trình chẩn đoán, điều trị và đánh giá sau điều trị nội nha. X-quang có thể quan sát thấy được hình dạng răng và cấu trúc quanh chóp trước khi điều trị.
– Phương pháp xác định chiều dài làm việc bằng X-quang theo mô tả của Ingle:
+ Ước lượng chiều dài làm việc bằng cách đo trên một phim gốc răng chụp đúng đầu tiên
+ Đặt một cây trâm size 15 hoặc lớn hơn với chiều dài làm việc đã ước lượng ở trên và chụp một phim X-quang thứ hai.
+ Nếu đầu của cây trâm nằm trong 1mm xung quanh vị trí lý tưởng thì chiều dài nói trên có thể chấp nhận được và được xem là chiều dài của răng.
+ Nếu như đầu trâm chênh lệch 2mm hoặc hơn thì cần đặt lại trâm và chụp lại một phim khác để xác định lại chiều dài làm việc
– Một số lưu ý:
+ Phương pháp này thường cho những kết quả có thể chấp nhận được nếu tủy răng bị viêm nhưng vẫn còn sống.
+ Trường hợp tủy răng hoại tử, đặc biệt là có sự hiện diện của thấu quang quanh chóp rõ rệt và/hoặc khi bệnh nhân bị đau thì tính chính xác của phương pháp X-quang vẫn còn tranh cãi.
+ Mức độ thành công của phương pháp sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố:
(1) Độ chính xác của phim: phim cần được chụp đúng góc độ, chụp lại nếu thấy hình ảnh bị ngắn hoặc dài hơn.
(2) Đảm bảo rằng trâm không di chuyển trong quá trình thực hiện
+ X-quang kỹ thuật số có nhiều ưu điểm hơn so với X-quang truyền thống trong việc xác định chiều dài làm việc.
+ Trong các nghiên cứu so sánh giữa kỹ thuật chụp phim song song và kỹ thuật chụp phim phân giác, các tác giả nhận thấy rằng:
(1) Kỹ thuật chụp phim song song sẽ cho kết quả đo lớn hơn so với kết quả thực. Nếu sử dụng phương pháp chụp này, chúng ta nên dùng thiết bị song song ghép đôi để phim trước điều trị và phim sau khi đặt trâm tương tự nhau, nhằm cung cấp một kết quả đo chính xác hơn.
(2) Kỹ thuật chụp phim phân giác, khoảng cách của trâm trên phim tới điểm chóp răng sẽ ngắn hơn vị trí giải phẫu thật sự của trâm là 0.7mm.
– Một số nhược điểm của phương pháp này:
+ Bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ, nhất là khi phim cần chụp nhiều phim.
+ Cung cấp hình ảnh hai chiều cho một cấu trúc có hình dạng ba chiều trong không gian
+ Không thể phân biệt được các vị trí lỗ chóp – lỗ thắt chóp – chóp răng trên X-quang
+ Nhiều cấu trúc giải phẫu có thể chồng lên nhau (xương gò má có thể chồng lên chóp răng của răng cối lớn thứ nhất và thứ hai hàm trên, chân ngoài có thể chồng lên chân trong ở những răng cối nhỏ hoặc răng trước với hai ống tủy)
+ Những bệnh lý làm thay đổi cấu trúc giải phẫu chóp răng và độ cản quang làm cho việc xác định chiều dài làm việc gặp khó khăn.
+ Đòi hỏi kỹ thuật viên chụp X-quang có một số kinh nghiệm và kỹ năng nhất định.
– Một số lưu ý trong kỹ thuật chụp X-quang:
+ Khi đầu ống chụp X-quang đi chuyển về bất kỳ hướng nào thì trâm và cấu trúc giải phẫu nằm về phía trong cũng sẽ di chuyển cùng hướng với đầu ống chụp, còn các cấu trúc phía ngoài sẽ di chuyển theo hướng ngược lại. Do đó, nếu đầu chụp di chuyển một góc về phía gần hoặc xa thì các cấu trúc bên ngoài sẽ di chuyển theo chiều ngược lại, tức là sẽ di chuyển về phía xa hoặc gần (theo thứ tự này).
+ Trong hầu hết các trường hợp, di chuyển đầu chụp một góc 20 đến 30 độ sẽ giúp thấy được các cấu trúc giải phẫu bị che khuất.
+ Quy luật này đúng nếu áp dụng trên mặt phẳng dọc lẫn mặt phẳng ngang.
– Cách khắc phục nhược điểm do bị chồng cấu trúc trên phim X-quang:
+ Răng một chân: Việc xác định chiều dài làm việc ở răng một chân thường khá đơn giản, Đặt phim song song với đầu ống chụp phim. Rất hiếm khi có cấu trúc giải phẫu nào chồng lên chân răng trong trường hợp này.
+ Răng nhiều chân: Các cấu trúc giải phẫu hiện diện có thể chồng lên trâm và cản trở việc xác định chiều dài làm việc. Chẳng hạn như chân ngoài và chân trong của các răng trước (răng có hai ống tủy hoặc hai chân răng), xương gò má và chóp các răng cối có thể chồng lên nhau. Sử dụng kỹ thuật chụp phim song song và dịch chuyển ống chụp theo những góc hằng định. Chẳng hạn như dịch chuyển đầu ống chụp phim một góc nhẹ 20 đến 30 độ theo chiều dọc hoặc ngang thì có thể thay đổi vị trí chân răng và các cấu trúc giải phẫu khác, điều này nhằm xác định được chiều dài làm việc.
2. PHƯƠNG PHÁP ÁP DỤNG MÁY ĐỊNH VỊ LỖ CHÓP ĐIỆN TỬ
Phương pháp dùng máy định vị lỗ chóp điện tử nhằm xác định chiều dài làm việc đã được sử dụng hơn 40 năm qua.
– Các thiết bị làm việc dựa trên nguyên tắc: điện trở giữa màng nha chu và mô mềm của miệng là hằng định và bằng 6.5kilo-ohms.
– Gần đây, các thiết bị loại điện trở đã được thay thế bằng loại hoạt động dựa vào trở kháng và tần số, với độ chính xác lên đến 90% trong phạm vi sai số 0.5mm.
– Máy định vị chóp có thể hỗ trợ X-quang khi chóp răng bị các cấu trúc giải phẫu khác che khuất. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng phát hiện lỗ thủng chân răng, gãy chân răng, vết nứt, nội tiêu hoặc ngoại tiêu. Hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán trên lâm sàng.
3. PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG CÔN GIẤY
– Phương pháp này có thể áp dụng để xác định điểm cuối cùng nhất của ống tủy nếu như ống tủy khô, không còn dịch. Lúc này các mô bị viêm sẽ làm ẩm đầu của côn giấy tại vị trí đổ ra của ống tủy.
– Nếu ống tủy chảy máu nhiều hoặc chất lượng côn giấy không tốt (không được nén chặt) thì phương pháp này sẽ không cung cấp được vị trí thắt chóp chính xác.
– Nó là một phương pháp khá đơn giản và có thể hữu ích trong việc dự đoán và xác định WL do không làm tổn thương mô quanh chóp cũng như không ảnh hưởng tới sự lành thương vùng chóp.
– Tuy nhiên, phương pháp này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh tính chính xác của nó và không được sử dụng thường quy trên lâm sàng.
4. PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG CẢM GIÁC TAY
– Cảm giác tay cũng là một kỹ thuật rất mang tính chủ quan. Vì việc cảm giác rằng cây trâm dừng di chuyển có thể không xác định đúng vị trí thắt chóp.
– Hạn chế của phương pháp do:
+ Những bất thường về hình thái, loại răng và tuổi bệnh nhân thường dẫn đến giá trị chiều dài ngắn hơn
+ Sự tiêu vùng chóp bệnh lý hoặc lỗ chóp rộng ở răng chưa trưởng thành dẫn đến chiều dài làm việc dài hơn.
– Để hạn chế sai số, ta nên làm loe trước miệng ống tủy để loại trừ những cản trở ở phần trên của ống tủy.
– Tài liệu cung cấp rất ít thông tin về phương pháp này; tuy nhiên, kỹ thuật dùng cảm giác tay vẫn còn được sử dụng vì hữu ích trong việc quyết định vị trí điểm thắt chóp.
5. PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG CẢM GIÁC ĐAU
– Áp dụng đáp ứng của đau của bệnh nhân để quyết định chiều dài làm việc có thể là phương pháp cũ nhất được sử dụng.
– Nó có những yếu tố nhiễu và không đáng tin cậy dưới đây:
+ Phần mô tủy còn sống còn lại trong vùng chóp có thể gây đau, dẫn đến chiều dài làm việc ngắn hơn.
+ Áp lực của đầu dụng cụ bị dẫn truyền qua các mảnh mô đến dây chằng nha chu cũng có thể gây đau và dẫn đến chiều dài làm việc ngắn.
+ Mô quanh chóp bị phá hủy dẫn đến không còn cảm giác khi dụng cụ vượt quá lỗ chóp thậm chí đến vài milimet, dẫn đến chiều dài làm việc dài quá.
– Kỹ thuật này cũng hoàn toàn chủ quan do tùy thuộc vào ngưỡng chịu đau khác nhau của mỗi bệnh nhân.
– Không thể ứng dụng cách này khi có gây tê lúc điều trị. Trong y văn thiếu bằng chứng về việc liệu phương pháp này có còn được sử dụng và dường như nó đã đi vào lịch sử của ngảnh nha rồi.
Nguồn:
Kenneth M. Hargreaves, Stephen Cohen. 2011. “Cohen’s Pathways of the pulp” .10thedition. Mosby, Inc.James L. Gutmann, Paul E. Lovdahl. “Problem solving in endodontics : prevention, identification, and management”. 5th edition. Mosby, Inc.
Nguồn ảnh: Tài liệu và Internet
Biên dịch: Lương Thị Quỳnh Tâm
Bài đăng lần đầu ngày: 21 Tháng mười một, 2018 @ 5:12 chiều