1. Phân tích lực đơn tác động lên răng:
Lực trong chỉnh nha, khi tác động lực lên răng, răng có thể chuyển động xoay hoặc tịnh tiến hoặc phối hợp xoay và tịnh tiến theo các 3 chiều trong không gian. Tùy theo trục tham chiếu và hình thái di chuyển, di chuyển răng gồm các loại:
- Nghiêng (tipping)
- Tịnh tiến (bodily movement)
- Xoay (rotation)
- Lún (intrusion)
- Trồi (extrusion)
- Dựng trục (root uprighting)
1.1. Di chuyển nghiêng răng
Đây là dạng di chuyển đơn giản nhất trong chỉnh nha. Di chuyển nghiêng răng xảy ra khi đặt một lực đơn vào thân răng. Răng quay quanh tâm xoay gần trùng với tâm cản của răng. Trong hình thái di chuyển này, dây chằng nha chu bị ép vùng cổ răng đối diện vị trí đặt lực và vùng chóp răng cùng phía vị trí đặt lực.
Di chuyển nghiêng răng với lực nhẹ, liên tục sẽ giúp răng di chuyển nhanh hơn, nhưng trên thực tế, khó mà tránh được sự hình thành vùng hóa kính trong dây chằng nha chu vùng chịu lực ép.
Trong di chuyển nghiêng răng ở người trẻ, vùng xương ổ răng chịu lực ép bị tiêu đi thường có hiện tượng tạo xương bù trừ, nhưng ở người lớn tạo xương bù trừ khó xảy ra và hậu quả là tiêu mào xương ổ phía chịu lực ép. Ngoài ra, vùng chóp chịu lực ép có thể gây tiêu cả xương vỏ mặt ngoài và chân răng sẽ di chuyển ra khỏi xương.
Một điều cần lưu ý về phương diện lâm sàng khi di chuyển nghiêng răng, đó là tình trạng dài ra của thân răng. Ở vùng răng cửa, hiện tượng dài ra này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lộ nướu ở bệnh nhân. Do đó, khi di chuyển nghiêng răng những trường hợp có độ chìa cao (procline), cần phải kết hợp làm lún răng để cải thiện tình trạng cười lộ nướu của bệnh nhân.
1.2. Di chuyển tịnh tiến
Để tạo ra di chuyển tịnh tiến, lực phải đi qua tâm cản. Trong chỉnh nha, không thể nào tạo lực đi qua tâm cản nằm phía chân răng, nhưng di chuyển tịnh tiến vẫn có thể tạo ra bằng cánh phối hợp lực nghiêng răng và lực torque.
Trong hình thái di chuyển tịnh tiến, toàn bộ dây chằng nha chu phía đối diện vị trí đặt lực chịu lực ép (hình 10-33). Do đó, lực trong di chuyển tịnh tiến phải gấp đôi lực nghiêng răng.
1.3. Di chuyển xoay răng
Di chuyển xoay răng là di chuyển quanh trục dài của răng (hình 10-34) và trong hình thái di chuyển này, toàn bộ dây chằng nha chu chịu áp lực. Về lý thuyết, như vậy lực cần thiết để xoay răng phải lớn hơn nhiều so với các hình thái di chuyển khác. Nhưng thực tế, trong di chuyển xoay, có hai vùng chịu lực căng và hai vùng chịu lực ép xảy ra (hình 10-35).
Trong dạng di chuyển xoay răng, đôi khi một bên tiêu xương kiểu tiêu ngầm, còn bên kia lại tiêu xương bề mặt. Những biến thể tiêu xương này chủ yếu là do đặc điểm giải phẫu của răng và độ lớn của lực.
Khi điều trị di chuyển xoay răng, thời gian duy trì cần lâu hơn so với các di chuyển khác do khả năng tái phát. Lý do của tái phát trong di chuyển xoay răng là do cấu trúc dây chằng nha chu sau khi di chuyển bị di dời đáng kể, nhất là các sợi vùng nướu viền (hình 10-36). Để tránh tái phát, có thể sử dụng thủ thuật cắt dây chằng (fibrectomy) nhằm tái cấu trúc tình trạng bám dính của dây chằng nha chu, hoặc tăng mức độ xoay (overrotation) so với yêu cầu điều trị.
1.4. Trồi răng
Trồi răng là một di chuyển răng lý tưởng, do không có vùng chịu lực ép xảy ra trong hình thái di chuyển răng này. Khi điều trị trồi răng, lực nhẹ liên tục sẽ giúp tạo xương ổ cùng với quá trình trồi răng, còn lực mạnh sẽ kéo răng khỏi xương ổ, thay vì kích thích xương ổ cùng phát triển (hình 10-38). Khi răng trồi, dây chằng nha chu sẽ kéo dài ra (hình 10-37). Chính các dây chằng kéo dài này sẽ tạo sức căng lên xương ổ và kích thích tạo xương. So với trẻ em, dây chằng nha chu ở người trưởng thành cũng kéo căng, nhưng mức độ tái cấu trúc sau điều trị thấp hơn.
1.5. Lún răng
Trong lún răng, lực cần thiết phải cực nhẹ, sao cho lực ép chỉ tập trung vùng chóp. Việc kiểm soát lực rất quan trọng trong di chuyển lún răng. Nếu lực lớn, vùng chịu lực ép sẽ là toàn bộ vách xương ổ răng chứ không phải là vùng chóp. Nếu lực quá lớn, nguy cơ tiêu chóp chân răng hoặc tổn thương mạch máu vùng chóp khả năng gây chết tủy. Sau khi lún, dây chằng nha chu cần 2 – 3 tháng để tái cấu trúc. Ở người lớn, khả năng tái cấu trúc thấp hơn người trẻ do đó, thời gian duy trì cần phải lâu hơn để tránh tái phát.
1.6. Lực tối ưu cho các di chuyển răng
Để di chuyển răng đạt hiệu quả tối ưu, lực chỉnh nha đảm bảo vấn đề tránh tối đa tình trạng hóa kính và tiêu xương ngầm. Mỗi hình thái di chuyển răng cần cường độ lực khác nhau để tối ưu hóa khả năng di chuyển răng. Bảng 10-3 là tổng kết nghiên cứu lực tối ưu cho các hình thái di chuyển răng trong chỉnh nha.
1.7. Đặc điểm lực tác dụng dựa trên thời gian tác dụng:
– Lực liên tục: lý tưởng là lực có cường độ duy trì cho dù răng di chuyển ít hay nhiều. Lực liên tục thường do các lò xo tạo lực NiTi hoặc cung đàn hồi NiTi tạo ra. Thực tế, lực có thể giảm dần nhưng không bao giờ xuống đến zero. Đây là lực lý tưởng nhất trong chỉnh nha.
– Lực gián đoạn là lực có cường độ giảm xuống bằng zero giữa những lần kích hoạt. Lực gián đoạn mặc dù giảm xuống zero, nhưng thời gian để lực giảm xuống zero kéo dài trong một khoảng nhất định. Lực gián đoạn cũng do khí cụ cố định sinh ra, chẳng hạn như lực của thun kéo hay lò xo đẩy sau một thời gian sẽ xuống đến zero.
– Lực ngắt quãng do khí cụ tháo lắp sinh ra, vì vậy cường độ giảm đột ngột xuống còn 0 khi bệnh nhân tháo khí cụ. Sau đó, lực tăng trở lại khi bệnh nhân mang khí cụ lại. Khi răng di chuyển lực cũng giảm dần như trong trường hợp khí cụ cố định. Lực tạo ra trong quá trình thực hiện chức năng như nhai nuốt nói… cũng có thể xem là lực ngắt quãng, nhưng do thời gian tác dụng không đủ nên không gây ra tình trạng di chuyển răng.
Lực ngắt quãng để có tác dụng cần phải mang tối thiểu 8h/ngày.
1. 8. Áp dụng lực đối với các hình thức chỉnh nha:
2. Ngẫu lực trong chỉnh nha
Ngẫu lực là một lực sử dụng phổ biến trong chỉnh nha. Ngẫu lực đơn tác động lên răng sẽ tạo ra chuyển động torque của chân răng hay làm nghiêng răng.
Khi phối hợp với các lực đơn khác sẽ giúp tạo ra chuyển động tịnh tiến của răng mà không cần phải đi qua tâm cản. Nhưng khi phối hợp ngẫu lực với ngẫu lực, sẽ tạo ra chuyển động phức tạp rất khó kiểm soát nếu không nắm vững những nguyên tắc thăng bằng ngẫu lực. Nói cách khác, thăng bằng ngẫu lực là vấn đề rất quan trọng trong việc kiểm soát di chuyển răng do ngẫu lực sinh ra.
2.1. Hệ thống thăng bằng ngẫu lực trong chỉnh nha
Theo định luật 3 Newton về phản lực, khi có một lực tác động sẽ xuất hiện một phản lực bằng với lực tác động, nhưng nghịch chiều. Các lực đơn và ngẫu lực do các khí cụ chỉnh nha tạo ra cũng tuân theo định luật này. Tình trạng thăng bằng tĩnh đòi hỏi tổng các lực tác động và moment lực sinh ra do khí cụ phải bằng 0 để thăng bằng hệ thống.
Thăng bằng của một lực đơn thì không có gì khó hiểu vì chỉ cần một lực đối bằng nhau, nhưng cân bằng ngẫu lực thì hoàn toàn không đơn giản, nhất là với ngẫu lực đôi.
Điểm quan trọng cần phải hiểu về thăng bằng ngẫu lực là tổng các lực và moment lực phải bằng 0. Bất kỳ khuynh hướng xoay nào cũng cần phải cân bằng bởi khuynh hướng xoay đối và nghịch chiều.
Thăng bằng ngẫu lực
đòi hỏi trong hệ thống ngẫu lực đơn với khuynh hướng xoay phải tạo ra một khuynh hướng xoay toàn bộ hệ thống cân bằng theo hướng ngược lại. Như vậy, một hệ thống ngẫu lực đơn cần phải có hai ngẫu lực bằng nhau và nghịch chiều thì mới cân bằng được.
Ví dụ khi đặt một cung lún vào răng cửa trên và cung được luồn vào ống răng cối. Cung khi luồn vào ống răng cối sẽ tạo ra một lực trồi răng bằng nhưng nghịch chiều với lực lún răng cửa. Cả hai lực này tạo nên một ngẫu lực với khuynh hướng xoay toàn bộ hệ thống nghịch chiều kim đồng hồ: F1. Gắn liền với hệ thống ngẫu lực này là ngẫu lực thứ hai đồng thời do kích hoạt cung lún. Ngẫu lực thứ hai này xảy ra tại ống răng cối tạo ra một khuynh hướng xoay thuận chiều kim đồng hồ. Hai ngẫu lực bằng nhau và nghịch chiều này tạo nên sự thăng bằng trong hệ thống ngẫu lực đơn.
Thăng bằng ngẫu lực đôi
Khi đặt cung vuông tạo lực lún hoặc trồi vào cả mắc cài và ống răng cối, nó sẽ tạo ra hệ thống ngẫu lực đôi. Hệ thống ngẫu lực đôi phức tạp hơn nhiều so với hệ thống ngẫu lực đơn.
Việc hiểu rõ những chuyển động xảy ra trong hệ thống ngẫu lực đôi cũng như các biện pháp kiểm soát thăng bằng ngẫu lực đôi mới có thể giúp hạn chế những chuyển động không mong muốn xảy ra trong quá trình điều trị.
Để đơn giản hóa hệ thống ngẫu lực đôi, chúng ta có thể hình dung hai hệ thống ngẫu lực đơn độc lập và xem xét các chuyển động sinh ra trong từng ngẫu lực này rồi mới lựa chọn biện pháp thăng bằng ngẫu lực.
Ví dụ với cung lún một ngẫu lực trong hình trên, nhưng cung được gắn vào mắc cài răng cửa, thay vì buộc vào cung chính. Phía răng cửa sẽ tạo ra một ngẫu lực đồng thời tác động lên cả răng cửa lẫn răng cối. Nếu khuynh hướng xoay của ngẫu lực răng cửa cùng hướng với ngẫu lực răng cối, cặp ngẫu lực tại răng cửa và răng cối sẽ gia tăng thêm. Kỹ thuật bẻ dây tạo ra ngẫu lực này gọi là kỹ thuật bẻ dây kiểu step. Tuy nhiên, nếu hướng xoay của ngẫu lực răng cửa và răng cối ngược chiều nhau, ngẫu lực ở hai răng này ngược hướng, dẫn đến suy giảm hay có thể triệt tiêu. Kỹ thuật bẻ dây kiểu này gọi là bẻ dây kiểu V.
Nguyên tắc bẻ dây dạng V (V-bend Principle)
Khi bẻ dây kiểu V, tùy theo vị trí đỉnh V nằm giữa hay lệch, sẽ tạo ra các hình thái di chuyển khác nhau trên răng. Sau đây là những nguyên tắc di chuyển răng khi bẻ dây dạng V:
- Nếu vị trí đỉnh V nằm giữa hai răng, moment trên hai răng sẽ cân bằng và triệt tiêu lực trồi răng, và chỉ còn khuynh hướng xoay răng: A.
- Nếu vị trí đỉnh V lệch về một răng, moment lực trên răng gần đỉnh V sẽ lớn và răng chịu cả hai tác động xoay và lún/trồi, tùy theo hướng đỉnh V. Răng xa đỉnh V có moment lực nhỏ hơn chỉ chịu tác động lún hoặc trồi đơn thuần. Chuyển động xoay và lún/trồi phía răng chịu moment lực lớn luôn nghịch chiều nhau.
Sự kết hợp các kiểu V bend tạo nên ngẫu lực đôi với các hình thái di chuyển sau:
- Kết hợp giữa III và V hay II và IV sẽ cho hệ ngẫu lực cân bằng, với chuyển động tương tự trường hợp bẻ V bend cân xứng.
- Kết hợp giữa II và V, hay III và IV sẽ cho ngẫu lực cùng chiều, với phần di chuyển theo hướng thẳng cộng hưởng.
Tất cả các hệ thống ngẫu lực đều chuyển động tuân thủ các trường hợp đã phân tích trên.
Nguồn: Tổng hợp Internet
Người Share tài liệu: Nha Tài
Bài đăng lần đầu ngày: 2 Tháng Một, 2020 @ 9:31 sáng