SỰ THÀNH LẬP VÀ ĐẶC ĐIỂM KHỚP CẮN BỘ RĂNG VĨNH VIỄN
Đặc điểm khớp cắn bộ răng vĩnh viễn, bộ răng sữa bắt đầu được thay thế bằng bộ răng vĩnh viễn. Giai đoạn trong miệng vừa có răng sữa vừa có răng vĩnh viễn gọi là giai đoạn bộ răng hỗn hợp. Các răng vĩnh viễn mọc thay thế cho các răng sữa gọi là răng thay thế (gồm các răng cửa giữa, cửa bên, nanh, cối nhỏ 1 và 2). Các răng vĩnh viễn mọc phía sau các răng sữa gọi là răng kế tiếp, gồm các răng cối lớn 1, 2 và 3. Giai đoạn bộ răng hỗn hợp kéo dài từ 5,5 đến 11-12 tuổi.
Nhìn chung, Đặc điểm khớp cắn bộ răng vĩnh viễn có sự thăng giáng nhiều hơn so với bộ răng sữa và không theo kiểu mọc “từ trước ra sau”, có sự khác biệt về thứ tự mọc giữa hàm trên và hàm dưới. Thông thường, thứ tự mọc các răng vĩnh viễn ở hàm trên là răng cối lớn 1, răng cửa giữa, răng cửa bên, răng cối nhỏ 1, răng cối nhỏ 2, răng nanh và răng cối lớn 2.
Ở hàm dưới là răng cối lớn 1, răng cửa giữa, răng cửa bên, răng nanh, răng cối nhỏ 1, răng cối nhỏ 2 và răng cối lớn 2 (Hình 3-7). Sự mọc các răng vĩnh viễn theo khuynh hướng các răng dưới mọc trước các răng trên cùng tên. Giai đoạn mọc răng cối nhỏ là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển khớp cắn của bộ răng vĩnh viễn vì răng cối nhỏ có kích thước gần – xa nhỏ hơn so với các răng cối sữa, có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành và phát triển của khớp cắn bộ răng vĩnh viễn sau này.
1. SỰ HÌNH THÀNH BỘ RĂNG VĨNH VIỄN VÀ ĐẶC ĐIỂM KHỚP CẮN BỘ RĂNG VĨNH VIỄN
Sự mọc các răng vĩnh viễn và thành lập khớp cắn của bộ răng vĩnh viễn có thể được chia làm bốn giai đoạn, giữa các giai đoạn là một thời kỳ “nghỉ”:
– Giai đoạn 1: mọc các răng cối lớn 1 và các răng cửa giữa vĩnh viễn.
– Giai đọan 2: mọc các răng cửa bên vĩnh viễn.
– Giai đoạn 3: mọc răng nanh, răng cối nhỏ và răng cối lớn 2.
– Giai đoạn 4: mọc các răng cối lớn 3 (răng khôn).
Để tiện trình bày sự thành lập khớp cắn, giai đọan 1 và 2 sẽ được gộp chung thành giai đọan “mọc các răng cối lớn 1 và các răng cửa vĩnh viễn”.
1.1. Giai đoạn 1: Mọc các răng cối lớn 1 và các răng cửa vĩnh viễn
Là giai đoạn mọc 4 răng cối lớn thứ nhất và thay thế các răng cửa sữa, thường diễn ra trong khoảng từ 5,5 đến 8 tuổi.
Nghiên cứu của Sadakatsu Sato (1990) cho thấy: khoảng 5 tuổi 4 tháng, răng cối lớn 1 đã xuất hiện ở hàm trên bên trái và hàm dưới bên phải và trái, 2 tháng sau răng cối lớn 1 hàm trên bên phải mọc. Tuy nhiên, chưa có sự ăn khớp của các răng này, các răng sữa vẫn chịu trách nhiệm gần như toàn bộ cho sự nhai. Sự ăn khớp của răng cối lớn 1 cần khoảng 1 năm 6 tháng đến 1 năm 8 tháng.
Cùng thời gian này, các răng cửa giữa vĩnh viễn hàm dưới bắt đầu mọc. Những răng này sẽ mọc lên hoàn toàn từ 6 tuổi 8 tháng đến 7 tuổi. Sau khi các răng cửa giữa và cửa bên vĩnh viễn hàm dưới mọc, răng cửa giữa và răng cửa bên vĩnh viễn hàm trên bắt đầu mọc. Mỗi răng cửa cần từ 7 đến 8 tháng để đạt được sự ăn khớp.
1.1.1. Đặc điểm của quá trình mọc răng cối lớn 1
Tương quan của răng cối lớn 1 trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng khớp cắn của bộ răng vĩnh viễn trong tương lai.
1.1.1.1. Mặt tận cùng răng cối sữa và khớp cắn bộ răng vĩnh viễn
Do khi mọc, răng cối lớn 1 được hướng dẫn bởi mặt xa của răng cối sữa II nên tương quan của các răng cối lớn 1 khi đạt tiếp xúc đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào tương quan giữa mặt xa các răng cối sữa II trên và dưới. Có thể chia làm bốn loại (theo Carlsen và Meredith) (Hình 3-8):
- Tương quan loại I: múi gần-ngoài của răng cối lớn 1 trên liên hệ hoặc rất gần với rãnh ngoài của răng cối lớn 1 dưới (chiếm khoảng 55% trường hợp).
- Tương quan đối đỉnh: múi gần ngoài của các răng cối lớn I trên và dưới gần như đối đầu nhau (khoảng 25% trường hợp).
- Tương quan loại II: múi gần ngoài răng cối lớn 1 trên ở phía trước (phía gần) so với múi gần ngoài răng cối lớn 1 dưới (khoảng 19% trường hợp).
- Tương quan loại III: múi gần ngoài răng cối lớn 1 trên ở phía xa so với rãnh ngoài răng cối lớn 1 dưới. Loại này chiếm khoảng 1%.
1.1.1.2. Cơ chế những thay đổi tương quan vùng răng cối lớn
(1) Khoảng leeway: là hiệu số của tổng kích thước gần-xa các răng nanh sữa, răng cối sữa I và II với tổng kích thước gần – xa của các răng thay thế (răng nanh và răng cối nhỏ 1 và 2). Khoảng leeway hàm dưới (trung bình là 1,8 mm ở mỗi bên) lớn hơn hàm trên (0, 9 mm ở mỗi bên). Khoảng leeway lớn hơn, làm các răng cối lớn 1 dưới có thể di gần nhiều hơn răng cối lớn 1 trên. Đây là yếu tố lớn nhất liên quan đến sự chuyển đổi từ tương quan mặt tận cùng phẳng hoặc bậc xuống gần thành tương quan loại I của răng cối lớn 1.
(2) Sự tăng trưởng của hàm dưới: Nhìn chung, cả hàm trên và hàm dưới đều tăng trưởng xuống dưới và ra trước, nhưng trong quá trình đó, hàm dưới tăng trưởng ra trước tương đối nhiều hơn hàm trên. Cung răng dưới được “đưa” về phía trước nhiều hơn cung răng trên, góp phần chuyển tương quan răng cối lớn 1 từ đối đỉnh (end-to-end) ở giai đoạn tiếp xúc đầu tiên thành tương quan khớp cắn loại I ở giai đoạn trưởng thành. Tuy vậy, sự phát triển của hai hàm chỉ có một tương quan yếu với quan hệ vùng răng cối theo chiều trước – sau (Bishara).
Nghiên cứu của Bishara (1988) về sự thay đổi tương quan vùng răng cối từ giai đoạn bộ răng sữa sang bộ răng vĩnh viễn trên trẻ em từ 5 – 13 tuổi cho thấy:
- Tất cả các trường hợp khớp cắn bộ răng sữa có mặt tận cùng bậc xuống xa đều chuyển thành khớp cắn loại II ở bộ răng vĩnh viễn. Không có trường hợp nào có thể tự điều chỉnh được. Do đó việc điều trị chỉnh hình nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
- Những trường hợp khớp cắn bộ răng sữa có mặt tận cùng phẳng, 56% có thể phát triển thành tương quan răng cối lớn 1 loại I, 44% thành khớp cắn loại II. Như vậy, khi bộ răng sữa có mặt tận cùng phẳng, cần được theo dõi để có thể có quyết định điều trị chỉnh hình khi cần.
- Trường hợp khớp cắn bộ răng sữa với mặt tận cùng bậc xuống gần, bậc về phía gần càng nhiều thì khả năng chuyển đổi thành khớp cắn loại III càng lớn, một số có thể phát triển thành loại I bình thường.
(3) Những yếu tố khác: Các yếu tố liên quan đến sự thay đổi quan hệ giữa các răng cối vĩnh viễn (và bộ răng vĩnh viễn nói chung) phức tạp hơn là chỉ phụ thuộc vào một hay hai yếu tố kể trên. Những yếu tố chính có thể kể là di truyền, dinh dưỡng, chức năng; một số bệnh lý vùng hàm mặt và tai mũi họng…
1.1.2. Đặc điểm của quá trình mọc các răng cửa vĩnh viễn
Các răng cửa vĩnh viễn mọc trong khoảng từ 6 đến 8 tuổi, những răng này lớn hơn nhiều so với các răng sữa mà nó thay thế. Để đủ chỗ cho các răng này mọc, có sự tăng trưởng theo chiều ngang của cung xương ổ răng (thể hiện ở sự tăng khoảng cách các răng nanh) và sự nghiêng trục về phía môi nhiều hơn của các răng cửa vĩnh viễn, hơn nữa, thường có các khe hở giữa các răng cửa sữa (Cần lưu ý là không có sự tăng trưởng ra trước có ý nghĩa của cung hàm trong giai đoạn này).
Một đứa trẻ bình thường trong giai đoạn khoảng 8 đến 9 tuổi, tạm thời có tình trạng chen chúc ở vùng răng cửa dưới. Sự phát triển sau này của bộ răng thường sẽ tự điều chỉnh tình trạng này, nhất là khi răng nanh vĩnh viễn mọc.
1.2. Giai đoạn 2: mọc răng nanh, răng cối nhỏ và răng cối lớn 2
Giai đoạn 2 bắt đầu từ 10 đến 12-13 tuổi, là giai đoạn thay thế các răng cối sữa và răng nanh sữa bằng các răng cối nhỏ và răng nanh vĩnh viễn và có sự mọc thêm của các răng cối lớn 2.
Diễn biến quan trọng nhất ở giai đoạn 2 là sự di gần của các răng cối lớn 1 vào khoảng leeway, làm thay đổi tương quan vùng răng cối và hình thành một tương quan khớp cắn lâu dài cho bộ răng vĩnh viễn.
Sự di gần của răng cối lớn vĩnh viễn 1 vào khoảng leeway làm thu ngắn chiều dài cung răng trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cho sự chuyển đổi bình thường từ bộ răng hỗn hợp có tương quan răng cối sữa theo mặt phẳng sang khớp cắn loại I ở bộ răng vĩnh viễn; quá trình này cũng tùy thuộc vào trình tự mọc răng ở hàm trên và hàm dưới
Cần chú ý
Cần chú ý là sự thay đổi về kích thước cung răng, đặc biệt ở hàm dưới, sau khi mọc răng cối nhỏ, là có sự giảm thật sự chu vi cung răng. Chu vi cung răng được đo từ mặt gần hai răng cối lớn 1, giảm trung bình khoảng 4mm (Moorrees, 1959). Sự giảm này diễn ra cùng lúc với với sự tăng trưởng xương hàm dưới và xương nền về phía sau nên có thể gây nhầm lẫn khi phân tích khoảng. Do sự giảm chu vi cung răng và khuynh hướng di gần rõ rệt của các răng cối lớn hàm dưới, tương quan khớp cắn thay đổi liên tục trong suốt giai đoạn sau của bộ răng hỗn hợp.
Theo Lo và Moyers, quá trình mọc răng vĩnh viễn theo thứ tự thích hợp có khả năng giúp tạo ra một khớp cắn tốt. Thí dụ: Đối với hàm dưới, răng nanh vĩnh viễn thường mọc trước răng cối nhỏ 1 và trước khi răng cối sữa II rụng đi, răng nanh vĩnh viễn có kích thước lớn hơn răng nanh sữa, để có đủ chỗ cho kích thước lớn hơn này của răng nanh vĩnh viễn, cung hàm dưới phải phát triển về phía trước nhiều hơn.
Trong lúc đó ở hàm trên, răng nanh vĩnh viễn thường mọc sau răng cối nhỏ 1 và sau khi răng cối sữa II rụng, để có đủ chỗ mọc, răng nanh vĩnh viễn sẽ di về phía xa bằng cách đẩy răng cối nhỏ 1 vào khoảng trống mất răng cối sữa II. Nên sự phát triển về phía trước của xương ổ răng sẽ ít hơn.
Nếu răng cối sữa II dưới mất quá sớm hoặc sâu răng sữa mặt bên nhiều, chiều dài cung răng dưới bị giảm nhiều đến mức khoảng leeway bình thường không bù trừ được và sẽ đưa đến tình trạng răng mọc chen chúc ở hàm dưới (Hình 3-9). Nếu răng cối sữa II trên mất trước răng cối sữa II dưới, có thể đưa đến sai khớp cắn loại II. Sự tồn tại quá lâu của răng sữa cũng có thể gây chen chúc cho các răng vĩnh viễn ở hai hàm.
1.3. Giai đoạn 3: mọc các răng cối lớn 3 (răng khôn)
Các răng cối lớn 3 thường mọc trong những năm đầu của một người trưởng thành (18-25 tuổi) làm hoàn tất quá trình thành lập khớp cắn của bộ răng vĩnh viễn. Ở vị trí bắt đầu mọc, răng cối lớn 3 trên thường nghiêng nhẹ về phía xa, răng cối lớn 3 dưới thường nghiêng nhẹ về phía gần. Hai răng này mọc lên và ăn khớp nhau phụ thuộc vào vị trí và tương quan khớp cắn của các răng cối lớn 1 và 2 (Hình 3-10).
2. ĐẶC ĐIỂM SỰ ĂN KHỚP LÝ TƯỞNG CỦA BỘ RĂNG VĨNH VIỄN
2.1. Đặc điểm mặt nhai răng sau, tư thế lồng múi
Đặc điểm mặt nhai răng sau và tư thế lồng múi là những khái niệm và kiến thức cơ bản, đã được nghiên cứu trong môn giải phẫu răng. Cần xem lại trước khi đi vào chi tiết về liên hệ giữa mặt nhai các răng trong tư thế lồng múi dưới đây.
2.2. Liên hệ giữa mặt nhai các răng trong tư thế lồng múi
Phân loại các liên hệ giữa thành phần chịu và thành phần hướng dẫn ở lồng múi tối đa, có thể mô tả bốn dạng sau đây: (Hình 3-11)
- Liên hệ múi chịu – gờ bên: Gờ múi của múi chịu đặt vào khoang mặt bên của hai gờ bên răng đối diện.
- Liên hệ múi chịu – trũng giữa: Múi chịu đặt vào trũng giữa răng đối diện, tạo thành ba điểm: Ở múi: trên gờ tam giác của múi, và trên các gờ múi gần và xa. Ở trũng: trên ba sườn nghiêng tạo nên trũng. Đối với răng cối lớn trên: hai sườn nghiêng nội phần của hai múi ngoài và nội phần của múi trong. Đối với răng cối lớn dưới: hai sườn nghiêng nội phần của hai múi trong và nội phần của múi xa ngòai.
- Liên hệ múi chịu – trũng tam giác: Múi chịu đặt và trũng tam giác, tạo thành hai hoặc ba điểm.
- Liên hệ rìa cắn răng trước dưới – mặt trong răng trước trên: Rìa cắn răng cửa dưới (nhóm “múi chịu 2”) liên hệ với các chi tiết ở mặt trong răng trước trên: Cingulum, gờ bên, các gờ men từ vùng cổ răng (thuộc các mặt hướng dẫn nhóm 2).
2.3. Đặc điểm tiếp xúc của các nhóm múi chịu (Hình 3-12)
2.3.1. Nhóm múi chịu 1 (răng cối lớn và cối nhỏ dưới)
– Các múi xa ngoài răng cối lớn dưới ăn khớp vào trũng giữa răng cùng tên hàm trên, tạo thành ba điểm tiếp xúc.
– Các múi gần ngoài răng cối lớn dưới và múi ngoài răng cối nhỏ dưới ăn khớp với gờ bên gần của răng cùng tên và răng phía gần của răng cùng tên đó của hàm trên, tạo thành hai điểm tiếp xúc.
2.3.2. Nhóm múi chịu 2 (các răng trước dưới)
– Răng nanh: gờ múi xa liên hệ với gờ bên gần của răng nanh trên, gờ múi gần liên hệ với gờ bên xa răng cửa bên hàm trên (hai điểm tiếp xúc).
– Răng cửa bên: liên hệ với gờ bên xa răng cửa giữa trên và với gờ bên gần răng cửa bên trên (hai điểm tiếp xúc).
– Răng cửa giữa: liên hệ với gờ bên gần và giữa mặt trong răng cửa giữa trên (hai điểm tiếp xúc).
2.3.3. Nhóm múi chịu 3 (răng cối lớn và cối nhỏ trên)
– Các múi gần trong răng cối lớn trên ăn khớp với trũng giữa răng cùng tên hàm dưới, tạo thành ba điểm tiếp xúc.
– Các múi trong răng cối nhỏ trên ăn khớp với trũng tam giác xa của răng cùng tên hàm dưới, tạo thành hai đến ba điểm tiếp xúc.
– Các múi xa trong răng cối lớn trên (trừ răng cối lớn 3) ăn khớp với vùng gờ bên xa của răng cùng tên và gờ bên gần của răng ở phía xa của răng cùng tên đó của hàm dưới, tạo thành hai điểm tiếp xúc.
Nghiên cứu trên người Việt nam trưởng thành cho thấy: tại LMTĐ, mỗi người có trung bình 44,35 ± 8,6 tiếp xúc, phân bố trên toàn bộ cung răng, trong đó răng 47 có số tiếp xúc nhiều nhất với cường độ mạnh nhất.
3. NHỮNG THAY ĐỔI KHỚP CẮN CỦA BỘ RĂNG VĨNH VIỄN
Trong suốt quá trình tồn tại và thực hiện chức năng, khớp cắn của bộ răng vĩnh viễn luôn diễn ra những thay đổi, gắn liền với quá trình phát triển, với chức năng của các cơ, khớp thái dương hàm, các thói quen chức năng, cận chức năng của từng cá thể, cũng như chịu ảnh hưởng của môi trường, các bệnh lý của răng, nha chu và toàn cơ thể. Sự thay đổi diễn ra tập trung ở thời kỳ bộ răng hỗn hợp, sau 12 tuổi, sự thay đổi khớp cắn diễn ra với mức độ chậm hơn, khó nhận thấy hơn.
Những thay đổi phổ biến ở khớp cắn của bộ răng vĩnh viễn bao gồm: (1) Sự chen chúc của các răng cửa dưới theo thời gian; (2) Sự mòn răng và hiện tượng trồi mặt nhai; (3) Sự di gần của các răng; (4) Sự nghiêng dần của trục răng làm thay đổi mặt phẳng nhai.
3.1. Sự chen chúc của các răng cửa dưới
Trên các cộng đồng dân cư hiện đại, sau khi bộ răng vĩnh viễn đã mọc đầy đủ và khớp cắn đã được thiết lập, các răng cửa dưới bắt đầu có khuynh hướng dần dần trở nên chen chúc vào khoảng 17 – 25 tuổi (và có xu hướng tiếp tục tăng dần), mặc dù trước đó các răng này đã sắp xếp đều đặn trên cung hàm hoặc chỉ có tình trạng chen chúc nhẹ. Có ba giả thuyết chính để lý giải cho sự chen chúc răng này:
(1) Không còn “sự mòn răng tự nhiên” do chế độ ăn hiện đại.
Giả thuyết này xuất phát từ nhận xét những cộng đồng cư dân cổ có tỷ lệ sai khớp cắn ít hơn nhiều so với những cộng đồng cư dân hiện đại, lý do là vì người cổ sử dụng thức ăn cứng, làm cho răng bị mòn mặt bên đủ để bù trừ cho sự di gần của các răng sau, không gây chen chúc vùng cửa.
Begg cho là do chế độ ăn thức ăn mềm, các răng sẽ bị chen chúc vì sự mòn răng không diễn ra. Tuy nhiên, khi người Úc bản địa chuyển sang chế độ ăn hiện đại (trong suốt thế kỷ XX), hiện tượng mòn mặt nhai và mặt bên của răng không còn nhiều như trước đây nữa nhưng sự chen chúc của các răng cửa dưới vẫn hiếm gặp.
(2) Áp lực từ răng cối lớn 3
Tình trạng chen chúc vùng răng cửa dưới thường bắt đầu vào khoảng thời gian mọc răng cối lớn 3. Trong đa số các trường hợp, răng cối lớn 3 thường bị thiếu chỗ do chiều dài cung hàm không đủ. Khi các răng này mọc lên sẽ tạo áp lực đẩy các răng khác về phía trước, đưa đến sự chen chúc.
Tuy nhiên, khó phát hiện được lực đẩy như vậy ngay cả với những máy móc trang thiết bị hiện đại. Thực tế, sự chen chúc răng ở giai đoạn này vẫn xảy ra ở những người không có răng cối lớn 3.
(3) Sự tăng trưởng kéo dài của hàm dưới:
Vào khoảng cuối giai đoạn tuổi vị thành niên, do sự tăng trưởng về phía trước của hàm dưới diễn ra kéo dài hơn so với sự tăng trưởng của hàm trên, các răng cửa dưới có khuynh hướng bị dời chỗ về phía ngược lại, tức phía lưỡi (Hình 3-13).
Ở một người có sự ăn khớp vùng răng trước, tương quan tiếp xúc của răng trên và răng dưới phải thay đổi khi hàm dưới tăng trưởng về phía trước; trong trường hợp này có 3 khả năng có thể xảy ra :
– Hàm dưới tái định vị về phía sau, kèm theo sự dời chỗ của đĩa khớp, trường hợp này rất hiếm gặp.
– Răng cửa trên bị đẩy, xòe ra trước tạo khe hở giữa các răng.
– Răng cửa dưới di xa, chen chúc vùng răng cửa và giảm khoảng cách giữa 2 răng nanh, đây là trường hợp thường xảy ra nhất.
– Sự chen chúc cũng diễn ra cả ở những người cắn hở vùng trước.
Đặc điểm khớp cắn bộ răng vĩnh viễn, quan niệm hiện nay là sự chen chúc vùng răng cửa ở người trưởng thành diễn ra phổ biến, vì các răng cửa dưới và có lẽ là toàn bộ cung răng dưới dịch chuyển về phía sau trong giai đoạn tăng trưởng kéo dài của hàm dưới. Sự tăng trưởng của hàm dưới càng kéo dài sau khi các tăng trưởng khác của phức hợp sọ – mặt đã ngưng thì nguy cơ các răng cửa dưới bị chen chúc càng lớn. Quan niệm này cũng phần nào làm rõ vai trò của răng cối lớn 3 trong việc xác định sự chen chúc sẽ xảy ra hay không và ở mức độ nào:
– Nếu khoảng trống tận cùng phía xa của cung hàm dưới đủ chỗ, các răng dưới dịch chuyển nhẹ về phía xa, không bị chen chúc.
– Nếu răng cối lớn 3 bị kẹt ở phía xa, các răng sau không di xa được, sẽ đưa đến tình trạng chen chúc của các răng.
– Tuy nhiên, sự chen chúc vùng răng cửa ở giai đoạn tuổi trưởng thành vẫn xảy ra ở người không có răng cối lớn 3, như vậy sự hiện diện hay không của các răng này không phải là một yếu tố quyết định.
3.2. Sự mòn răng và hiện tượng trồi mặt nhai
Các răng tham gia vào những hoạt động chức năng sẽ mòn dần theo thời gian (Hình 3-14). Tốc độ mòn mặt nhai (và mặt bên) phụ thuộc chủ yếu vào tính chất thức ăn (ít hay nhiều chất xơ, độ cứng của thức ăn…), vì vậy, phụ thuộc vào tập quán của cộng đồng và thói quen của cá nhân. Các họat động cận chức năng (nghiến răng, cắn/siết chặt răng) là nguyên nhân đáng chú ý của mòn răng ở người hiện đại (Hình 3-15).
Ngày nay, sự liên quan giữa tuổi và mòn răng ngày càng ít rõ ràng hơn do chế độ ăn mềm, nhưng các thực phẩm công nghiệp, đặc biệt là các lọai nước giải khát đang trở thành nguyên nhân hàng đầu của ăn mòn răng ngày nay (vấn đề này không thuộc phạm vi Cắn khớp, sẽ được đề cập trong Sinh học miệng).
Đặc điểm khớp cắn bộ răng vĩnh viễn, để bù trừ cho sự mất men do mòn mặt nhai, hiện tượng trồi mặt nhai diễn ra liên tục. Nếu sự di chuyển mặt nhai diễn ra tương đối nhanh thì sự điều tiết vị trí mới của răng đặc trưng bởi sự kết hợp bồi đắp xương ở đáy ổ xương và dày lên của xê măng ở chóp chân răng.
Nhờ sự trồi mặt nhai, kích thước dọc cắn khớp và chiều cao tầng dưới mặt được duy trì không đổi trong suốt đời sống, hiện tượng giảm kích thước dọc hiếm khi xảy ra.
3.3. Sự di gần sinh lý và thay đổi độ nghiêng trục răng
“Di gần” là thuật ngữ do Stein và Weinmann sử dụng lần đầu năm 1925, có nghĩa là các răng trên một cung răng toàn vẹn di về phía giữa cung răng, làm cho vị trí của các răng ngày càng về phía gần hơn cùng với sự tích tuổi.
Sự di gần diễn ra để duy trì tính liên tục của cung răng, bù trừ cho sự mòn men ở các vùng tiếp xúc mặt bên của răng, nhờ vậy tất cả các răng vẫn tiếp xúc nhau.
Những yếu tố sau đây được xem là đã dự phần trong sự di gần của răng: (1) Độ nghiêng gần của các răng, và lực sinh lý trong quá trình nhai. (2) Tác động của một số cơ, đặc biệt là cơ mút, có xu hướng đẩy các răng về phía trước. Về mặt mô học, có sự bồi đắp xương ở mặt xa của ổ răng và tiêu xương ở mặt gần. Về lực di gần, chủ yếu là do hệ thống sợi trên xương ổ, nhất là các sợi ngang vách.
Đặc điểm khớp cắn bộ răng vĩnh viễn do tác động của các lực chức năng không hoàn toàn trùng với trục răng, trục của các răng sau có sự thay đổi, theo hướng chung là nghiêng gần đối với các răng của cả hai hàm; nghiêng trong đối với răng cối dưới, nghiêng ngoài đối với răng cối trên (Hình 3- 16). Điều này làm thay đổi tính chất ban đầu của các đường cong cắn khớp: đường cong Spee bớt cong hơn.
Theo GS, TS Hoàng Tử Hùng
Tìm hiểu thêm bài viết liên quan
Bài đăng lần đầu ngày: 3 Tháng Một, 2020 @ 2:39 chiều