Sâu răng là một bệnh lý đa yếu tố bao gồm sự tương tác giữa ba thành phần: răng, vi khuẩn và chế độ ăn uống. Vi khuẩn tích tụ ở những vị trí cụ thể trên răng hình thành nên mảng bám vi khuẩn. Sự phát triển của sâu răng đòi hỏi phải có cả sự hiện diện của vi khuẩn và một chế độ ăn chứa carbohydrate lên men. Sâu răng là một bệnh lý nhiễm khuẩn vì có sự tạo ra axit lactic do vi khuẩn lên men carbohydrate, dẫn đến sự huỷ khoáng của mô cứng. Nhóm vi khuẩn Streptococcus mutans đóng vai trò chủ đạo trong việc huỷ khoáng. Ở giai đoạn ban đầu của bệnh lý, vi khuẩn nằm trên bề mặt răng. Sau khi quá trình mất khoáng diễn ra trầm trọng thì vi khuẩn mới xâm nhập sâu vào mô cứng. Bề mặt răng bị mất khoáng, còn gọi là sang thương sâu răng, phản ánh hoạt động của vi khuẩn trong mảng bám đang tiếp diễn hoặc xảy ra trong quá khứ.
Tổn thương sâu răng ban đầu là quá trình mất khoáng trên bề mặt bên ngoài của răng. Trên lâm sàng cho hình ảnh một đốm trắng như phấn (cho thấy sâu răng đang hoạt động) hoặc đục hoặc màu đen, đốm nâu (cho thấy sâu răng hoạt động trước đây). Một tổn thương bên dưới mảng bám vi khuẩn sẽ tiến triển, có thể chậm hoặc nhanh, nhưng nếu mảng bám được loại bỏ thì sâu răng sẽ dừng lại. Một tổn thương dừng lại có thể tái hoạt động và tiến triển. Ngoài ra, việc tái khoáng hoá ở phần ngoài của một tổn thương đã dừng lại cũng có thể xảy ra, chẳng hạn, sau khi dùng liệu pháp flour. Sâu răng vì vậy là một quá trình động.
Tỉ lệ và mức độ mất khoáng tuỳ thuộc vào nhiều nhân tố. Mất khoáng xảy ra nhanh hơn ở những tổn thương đang hoạt động với sự hình thành những tinh thể trống. Mất khoáng có thể lan rộng vào phần ngà trước khi mặt ngoài răng sụp xuống, dẫn đến tạo thành một xoang có thể thấy được trên lâm sàng. Với tổn thương tiến triển và không can thiệp thì mất khoáng tiến triển xuyên qua men, ngà và thậm chí vào đến tuỷ răng và có thể làm hỏng răng.
Hình 1. Quá trình mất khoáng ở mặt nhai và mặt bên đi từ men răng đến ngà răng và chạm vào tuỷ răng.
Khám phát hiện sâu răng trên phim X quang
X quang rất hữu ích trong việc phát hiện sâu răng vì quá trình tiến triển sâu răng gây mất khoáng men và ngà răng. Tổn thương có hình ảnh thấu quang trên phim X quang (tối hơn) vì vùng mất khoáng răng không hấp thụ nhiều photon của tia X. Mặc dù vậy, có một điều quan trọng cần ghi nhớ đó là tổn thương được phát hiện trên X quang cho thấy hoạt động vi khuẩn trên bề mặt răng chứ không cho biết liệu tổn thương này đang hoạt động hay đang ngừng tiến triển. Một tổn thương cũ không còn hoạt động nữa cũng sẽ có hình ảnh “vết sẹo” mất khoáng trên nền mô cứng. Lý do việc tái khoáng hoá chỉ xảy ra ở phần bề mặt bên ngoài nhất là vì dung dịch chứa chất khoáng từ nước bọt không thể khuếch tán vào phần thân của thương tổn. Do X quang chỉ phản ánh mức độ mất khoáng ở hiện tại nên chỉ mình phim X quang không thể phân biệt được giữa tổn thương đang hoạt động và một tổn thương ngừng tiến triển. Một phim X quang thứ hai chụp vào thời gian sau đó có thể cho biết liệu tổn thương có đang hoạt động hay không. Khi đưa ra quyết định theo dõi một tổn thương thì nên cân nhắc những nhân tố như vệ sinh răng miệng, liệu pháp fluor, tình trạng tiết nước bọt, chế độ ăn uống, tiền sử sâu răng, mức độ chăm sóc miếng trám và độ tuổi để xem xét thời gian giữa các lần chụp X quang.
Hình 2. Hình ảnh X quang của tổn thương sâu răng không hoạt động (vùng đen), một nửa xuyên qua men răng vẫn còn nguyên vẹn, với bề mặt được khoáng hoá (mũi tên)
X quang là một phương tiện bổ sung có gí trị cùng với việc khám lâm sàng để phát hiện sâu răng. Khám lâm sàng cẩn thận để đánh giá hoạt động sâu răng trên bề mặt răng có thể hữu ích với những bề mặt răng phẳng và sâu răng phát triển qua mặt nhai. Tuy nhiên, khi bề mặt răng còn nguyên vẹn (chẳng hạn như men răng không bị sụp xuống), thậm chí kiểm tra kỹ lưỡng cũng có thể không phát hiện được sự mất khoáng bên dưới bề mặt, bao gồm cả mặt nhai. Đánh giá lâm sàng mặt bên răng ở vị trí tiếp xúc cũng khó khăn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng X quang có thể phát hiện sâu răng không những ở mặt nhai mà còn ở mặt tiếp xúc.
KIỂM TRA BẰNG PHIM TRUYỀN THỐNG
Phim cánh cắn là phim hữu ích nhất để đánh giá sâu răng. Sử dụng cây giữ phim có dụng cụ canh chỉnh giúp giảm việc các điểm tiếp xúc bên của răng chồng lên nhau và cải thiện chất lượng hình ảnh, do đó, giảm tối thiểu những lỗi sai khi đọc phim. Phim quanh chóp cũng hữu ích khi đánh giá những thay đổi ở xương vùng quanh chóp. Sử dụng kỹ thuật chụp phim song song khi chụp phim quanh chóp giúp tăng giá trị của phim, vì cách chụp này có thể giúp phát hiện sâu răng ở răng trước lẫn răng sau, đặc biệt là những răng có mang phục hồi lớn.
Trong những thập niên gần đây, tỉ lệ sâu răng ở các nước phương Tây giảm đáng kể, chỉ còn lại một phần nhỏ dân số bị tổn thương sâu răng tiến triển. Theo đó, khoảng thời gian giữa các lần khám được tuỳ chỉnh cho mỗi bệnh nhân dựa trên cơ sở nhận biết được hoạt động sâu răng cũng như mức độ dễ bị sâu răng. Với những cá nhân không bị sâu răng, khoảng cách giữa các lần hẹn có thể kéo dài ra, trong khi đó những cá nhân có sâu răng đang hoạt động thì khoảng cách này ngắn hơn.
Hình 3. Phim cánh cắn phần hàm trái của bệnh nhân.
Hình 4. Phim cánh cắn ở bộ răng hỗn hợp cho thấy tổn thương sâu ngà ở mặt gần và xa răng cối sữa thứ hai và tổn thương men ở mặt gần răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất. Tổn thương lan rộng ở thân và chân răng cối sữa thứ nhất hàm dưới.
Đánh giá tổn thương trên X quang
MẶT BÊN
Hình ảnh X quang điển hình
Hình ảnh thấu quang sớm của tổn thương trên men răng thông thường có hình tam giác với đáy rộng nằm trên bề mặt răng, mở rộng dọc theo trụ men, những hình ảnh phổ biến khác chẳng hạn như rãnh, một dấu chấm, một dải hoặc một đường mỏng. Khi quá trình mất khoáng hoá tiến triển đến đường nối men ngà, nó lan rộng dọc theo đường này, thường hình thành nên đáy của một tam giác thứ hai với đỉnh hướng về phía buồng tuỷ. Tam giác này thường có đáy rộng hơn ở men răng và tiến triển hướng về phía tuỷ răng dọc theo các ống ngà. Ngoài ra, cũng có thể thấy những hình dạng bất thường khác của quá trình mất khoáng.
Tổn thương liên quan đến tiếp xúc mặt bên hầu hết thường nằm ở vùng tiếp xúc. Thật sự rằng loại tổn thương này không bắt đầu bên dưới bờ nướu, giúp phân biệt với tổn thương sâu răng tại cổ răng. Cần chú ý kỹ đến bề mặt tiếp xúc bên nguyên vẹn gần với bề mặt răng có miếng trám vì thường bề mặt này có thể bị tổn thương khi trám răng và vì vậy có nguy cơ cao bị sâu răng.
Vì mặt tiếp xúc bên của vùng răng sau thường rộng, việc mất một lượng chất khoáng từ tổn thương sâu răng mới chớm và tiến triển của một tổn thương hoạt động thường khó phát hiện trên X quang. Tổn thương giới hạn trong phần men răng có thể không có dấu hiệu gì trên X quang cho đến khi 30% đến 40% quá trình mất khoáng xảy ra. Vì lý do này, độ sâu thật sự của tổn thương sâu răng thường sâu hơn so với hình ảnh thấy được trên X quang.
Hình 5. Hình ảnh phóng đại phát hiện sâu men vùng răng cối nhỏ.
Hình 6. Phim cánh cánh thể hiện sâu răng mặt bên (mũi tên)
Hình 7. Sâu răng lan rộng vào phần ngà răng
Hình 8. Mặt tiếp xúc bên là vùng dễ bị sâu răng, vùng này đi từ điểm tiếp xúc đến bờ nướu tự do.
Hình 9. Sâu răng ở răng cạnh răng mang miếng trám do quá trình tạo xoang trám làm tổn thương bề mặt răng kế cân.
Nhận biết sai
Thậm chí những nha sĩ nhiều kinh nghiệm cũng thường không đồng ý với việc có hay không có sâu răng khi kiểm tra trên một lần chụp X quang khi tổn thương chỉ giới hạn ở phần men răng. Đôi khi có thể phát hiện sai tổn thương sâu răng khi bề mặt răng không bị ảnh hưởng (kết quả dương tính giả). Nhiều hiện tượng hình thái chẳng hạn như những trũng và rãnh, chỗ lõm vùng cổ răng, hiệu ứng dải Mach, những bất thường về răng chẳng hạn như những rãnh giảm sản và những chỗ lõm do mòn răng cũng có thể giả dạng hình ảnh sâu răng. Trong những trường hợp mất khoáng không biểu hiện rõ trên X quang, việc không phát hiện được thương tổn được gọi là kết quả dương tính giả. Ngoài ra, những điểm tiếp xúc chồng lên nhau trên hình ảnh X quang có thể che lấp mất tổn thương. Khoảng một nửa tất cả những tổn thương mặt bên ở phần men răng không thể phát hiện được trên X quang.
Hình 10. Những hình ảnh dương tính giả (mũi tên)
Hình 11. A. Hình ảnh X quang của một răng đã được nhổ với tổn thương nằm ở ngà răng phía bên trái (vòng tròn). B. Răng được cắt và soi dưới kính hiển vi cho thấy tổn thương nằm ở cả hai bên, tổn thương bên phải chỉ nằm ở men răng (phần men răng phía bên trái răng bị vỡ trong quá trình cắt)
Hình 12. A. Hình ảnh mặt xa răng nanh không nhìn rõ. B. Thay đổi góc chụp cho thấy sâu răng phía xa răng nanh.
Những cân nhắc điều trị
Những cân nhắc điều trị như việc tạo xoang trám thường không được chỉ định cho những tổn thương ở men răng và nha sĩ cũng như bệnh nhân có thể kiểm soát tiến triển của tồn thương bằng những can thiệp bản tồn. Mặt khác, với những tổn thương có lỗ thì cần tạo xoang trám. Trong trường hợp tổn thương ở ngà răng, quyết định liệu có trám răng hay không tuỳ thuộc vào mỗi bệnh nhân, cần theo dõi bằng X quang để đánh giá liệu tổn thương đã dừng lại hay đang tiến triển. Thời gian giữa các lần chụp X quang tuỳ thuộc vào mỗi các nhân, tiền sử sâu răng trước đây, tuổi và vị trí tổn thương vì tỉ lệ tiến triển khác nhau giữa những bề mặt răng khác nhau. Cần chụp lại một phim X quang có góc hình học giống với phim ban đầu bằng cách dùng cây giữ phim, giúp so sánh chính xác độ sâu của tổn thương giữa hai lần chụp theo dõi. Khi sử dụng phim kỹ thuật số cùng với góc hình học cũ, có thể để các hình ảnh chồng lên nhau và những thông tin trên một hình ảnh được loại trừ bởi một hình ảnh khác, cho ta một hình ảnh sau khi loại trừ xong – hình ảnh này hiển thị những thay đổi đã xảy ra giữa hai lần kiểm tra.
Một tổn thương tiến triển cho thấy cần trám lại. Với những bệnh nhân tích cực làm sạch bề mặt răng và sử dụng liệu pháp fluoride, hơn một nửa tổn thương ngà nông có thể ngừng lại, vì vậy có thể tránh liệu pháp phục hồi.
Hình 13. Phim X quang kỹ thuật số với kỹ thuật chồng phim và loại trừ hình ảnh
MẶT NHAI
Hình ảnh X quang điển hình
Tổn thương sâu răng ở trẻ em và thanh thiếu niên hầu hết thường ở mặt nhai các răng sau. Quá trình mất khoáng hoá bắt nguồn từ men răng tại những hố rãnh – nơi mảng bám vi khuẩn tích tụ. Tổn thương lan rộng dọc theo trụ men và nếu như không có gì cản trở sẽ tiến vào đường nối men ngà, ở đây có thể thấy được một đường thấu quang mỏng giữa men răng và ngà răng.
Tổn thương măt nhai thường bắt đầu ở bờ thành của rãnh hơn là đáy rãnh và sau đó có khuynh hướng xuyên qua gần như vuông góc hướng về đường nối men – ngà. Những tổn thương sớm có hình ảnh trên lâm sàng như là phấn trắng, vàng, nâu hoặc đổi sang màu đen ở rãnh mặt nhai. Khi phát hiện những rãnh đổi màu với bề mặt nhai trên lâm sàng còn nguyên vẹn thì cần chụp X quang để xác định xem liệu một tổn thương sâu răng có vượt qua đường nối men ngà chưa. Nếu tổn thương không băng ngang qua đường nối men ngà thì có thể không thấy được trên X quang.
Hình ảnh X quang truyền thống của một tổn thương xuyên vào ngà răng là hình ảnh thấu quang với đáy rộng, thường nằm bên dưới một rãnh, trong khi đó ở men răng chỉ có những thay đổi nhỏ hoặc không thay đổi gì rõ rệt. Tổn thương mặt nhai càng sâu thì càng dễ phát hiện trên X quang.
Hình 14. Tổn thương sâu răng mặt nhai khảo sát trên phim X quang
Nhận biết sai
Những sai sót khi phân tích tổn thương ngà răng ở mặt nhai bao gồm việc hình ảnh những hố mặt nhai chồng lên nhau cùng có liên quan hoặc không có liên quan đến tổn thương sâu răng hoặc một miếng trám composite, vốn nhìn giống như tổn thương mặt nhai hoặc một rãnh sâu. Việc khám trực tiếp trên lâm sàng thường loại trừ đi những nhầm lẫn như vậy. Khi tổn thương mặt nhai khu trú ở phần men răng, phần men xung quanh thường che mất tổn thương này. Khi quá trình sâu răng tiến triển, có một đường thấu quang lan rộng dọc theo đường nối men ngà. Khi tổn thương lan rộng vào phần ngà, bờ giữa sâu răng và phần ngà lành mạnh có thể chồng lên nhau và che mất đường thấu quang tại đường nối men ngà. Do đó, đối với những tổn thương còn nông thì tỉ lệ dương tính giả có thể cao ngang với tỉ lệ âm tính giả. Một kết quả âm tính giả có thể không phải là một sai lầm nghiêm trọng do trong hầu hết các trường hợp sâu răng tiến triển chậm và tổn thương được phát hiện ở một thời gian sau đó. Một kết quả dương tính giả có thể dẫn đến việc bề mặt răng lành mạnh bị xâm phạm không thể hồi phục được. Ngoài ra, khi có một sự khác biệt về mật độ rõ rệt, chẳng hạn như giữa men và ngà, thì có thể có một vùng thấu quang ngay gần men răng. Đây là một ảo giác quang học gọi là dải Mach (hình minh hoạ bên dưới). Nó có thể tạo nên nhiều kết quả dương tính giả; vì vậy, nên theo dõi những trường hợp này và từ chối việc điều trị can thiệp.
Cân nhắc việc tạo xoang và điều trị
Khi một tổn thương mặt nhai mở rộng xuyên qua ngà răng, phần men răng sẽ bị yếu, và cuối cùng lực ăn nhai sẽ gây sụp phần men này, tạo thành một xoang sâu. Khi thấy lỗ sâu trên lâm sàng thì thường tổn thương đã vào ngà răng, nếu những thông tin cho thấy tổn thương lan rộng đến gần buồng tuỷ thì cần chụp X quang để kiểm tra. Nếu không có lỗ sâu nhưng các hố rãnh mặt nhai bị đổi màu thì cần chụp X quang kiểm tra. Tổn thương ngà răng không có lỗ sâu rõ ràng trên lâm sàng nhưng lại có những thay đổi thấu quang trên X quang thì chứng tỏ sâu răng đã vượt qua đường nối men ngà và cần điều trị phục hồi bằng miếng trám.
ĐA SÂU RĂNG
Sâu răng phá huỷ răng tiến triển nhanh và rầm rộ thường được gọi là đa sâu răng và thường thấy ở trẻ em có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và thói quen vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, tình trạng này ngày càng hiếm do việc bổ sung fluor trong nguồn nước, sử dụng fluor tại chỗ và nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cũng như vệ sinh răng miệng. Đa sâu răng có thể thấy ở những người bị chứng khô miệng. X quang của những cá nhân này cho thấy hình ảnh sâu răng phá tuỷ trầm trọng, tiến triển, đặc biệt là những răng trước hàm dưới.
MẶT NGOÀI VÀ MẶT TRONG
Tổn thương sâu răng ở mặt ngoài và mặt trong thường xảy ra ở những hố rãnh trên men răng. Khi tổn thương nhỏ, chúng thường có hình tròn; khi lan rộng lên, chúng thường có hình elip hoặc hình bán nguyệt. Chúng có bờ rõ ràng, giới hạn rõ. Có thể khó để phân biệt giữa tổn thương mặt ngoài hay mặt trong trên X quang. Khi quan sát tổn thương mặt ngoài hoặc mặt trong, bác sĩ lâm sàng sẽ tìm thấy một vùng men không sâu răng với mật độ đồng nhất bao xung quanh một vùng thấu quang rõ ràng. Vùng hình tròn có giới hạn rõ này biểu hiện phần men răng không sâu răng song song bao xung quanh tổn thương mặt ngoài và mặt trong. Tuy nhiên, tổn thương mặt nhai thường lan rộng hơn sâu răng mặt ngoài hoặc mặt trong, và đường viền của cúng không có giới hạn rõ. Đánh giá trên lâm sàng bằng cách quan sát và thăm khám để chẩn đoán xác định tổn thương mặt ngoài hoặc mặt trong.
Hình 15. Tổn thương sâu răng mặt ngoài (mũi tên)
BỀ MẶT CHÂN RĂNG
Tổn thương ở bề mặt chân răng bao gồm xi măng và ngà răng và liên quan đến quá trình tụt nướu. Phần xi măng răng bị lộ tương đối mềm và thường chỉ dày 20 đến 50 μm gần đường nối xi măng – men răng, vì vậy nó nhanh chóng mất đi do mòn răng sinh lý, mòn răng cơ học và hoá học. Sâu răng ở bề mặt chân răng thường được phát hiện trên lâm sàng và thông thường không cần sử dụng X quang để chẩn đoán. Ở bề mặt chân răng mặt bên, kiểm tra trên X quang có thể bộc lộ những tổn thương không nhìn thấy được.
Khi kiểm tra tổn thương trên bề mặt chân răng, bề mặt có thể biểu hiện như hình ảnh của sâu răng nhưng thật ra nó lại là kết quả của hiện hượng “cháy cổ răng”. Tổn thương sâu răng thật sự khác với một bề mặt còn nguyên vẹn chủ yếu nhờ vào việc thiếu hình ảnh bờ chân răng và bằng hình ảnh một đường viền bên trong có hình tròn phân kỳ, đây là dấu hiệu mất mô răng.
Hình 16. Hình ảnh X quang biểu hiện sâu mặt xa cổ răng của răng cối lớn thứ hai hàm trên (mũi tên ngắn) và hình ảnh “cháy cổ răng” (mũi tên dài).
SÂU RĂNG LIÊN QUAN ĐẾN PHỤC HỒI NHA KHOA
Một tổn thương sâu răng phát triển tại bờ của miếng trám có thể được gọi là sâu răng thứ phát hoặc tái phát. Cần lưu ý rằng mặc dù tổn thương này phát triển trên bề mặt đã được phục hồi thì hầu như luôn có một quá trình mất khoáng mới, hoặc là do lỗi sai trong việc tạo hình hay mở xoang trám không tốt dẫn đến tích tụ mảng bám. Những tổn thương như vậy (sâu răng thứ phát) cần được điều trị như một sâu răng mới. Điều quan trọng là không nhầm lẫn giữa sâu răng thứ phát và sâu răng còn sót lại – sâu răng vẫn còn do tổn thương ban đầu không được loại bỏ hoàn toàn. Trong trường hợp trên X quang cho thấy tổn thương rất gần với tuỷ răng, phần ngà sâu có thể để lại có chủ định trong suốt quá trình điều trị. Thuốc có tác dụng kích thích sự phát triển của ngà răng được đặt trong xoang trám (che tuỷ gián tiếp). Sau một vài tháng, phần ngà sâu còn lại sẽ được loại bỏ và thay bằng chất trám vĩnh viễn.
Một tổn thương cạnh miếng trám có thể bị che lấp bởi hình ảnh X quang của miếng trám. Vì vậy cần chụp hai phim X quang với những góc độ dọc hoặc ngang của tia trung tâm khác nhau nhằm thấy được nhiều góc độ cản quang của miếng trám. Ngoài ra, để phát hiện ra tổn thương sâu răng còn tuỳ thuộc vào việc thăm khám lâm sàng cẩn thận. Tổn thương tái phát tại bờ nướu phía gần và xa thường phát hiện được trên X quang.
Vật liệu trám có hình ảnh cản quang khác nhau tuỳ thuộc vào bề dày, mật độ, số lượng nguyên tử và năng lượng nguồn tia X khi chụp. Một số vật liệu có thể bị nhầm lẫn với sâu răng. Những chất lót canxi hydroxide không chứa barium, chì, hoặc kẽm (được thêm vào để tăng độ cản quang) có hình ảnh thấu quang và có thể nhầm lẫn với sâu răng tái phát hoặc sâu răng sót lại. Mặc dù có sự hiện diện của canxi, phần lớn vật liệu có nguyên tử lượng thấp trong canxi hydroxide có độ cản quang tương tự như sâu răng. Composite, nhựa hoặc chất trám silicate cũng có thể giả dạng sâu răng. Thường có thể nhận biết và phân biệt những vật liệu thấu quang này với sâu răng bằng đường viền liên lục, rõ nét cho thấy có sự sửa soạn xoang trám hoặc đường trám lót cản quang.
Hình 17. Sâu răng cạnh miếng trám.
Hình 18. Vật liệu trám không cản quang
THỦ THUẬT SAU KHI XẠ TRỊ
Những bệnh nhân được điều trị xạ trị ở vùng đầu và cổ có thể mất chức năng tuyến nước bọt, dẫn đến khô miệng, thay đổi hệ khuẩn chí vùng miệng và có khả năng thay đổi nội tại cấu trúc răng. Nếu không điều trị, điều này có thể gây nên phá huỷ răng hàng loạt, còn gọi là đa sâu răng. Thông thường, sự phá huỷ bắt đầu tại vùng cổ răng và có thể tiến triển nhanh vòng quanh thân răng, dẫn đến mất toàn bộ thân răng và chỉ còn lại mảnh chân răng trên cung hàm. Hình ảnh X quang của sâu răng do xạ trị có những nét đặc trưng: bóng thấu quang nằm ở vùng cổ răng, hầu hết rõ nét ở mặt gần và mặt xa. Hiện diện những biến thể độ sâu của tổn thương phá huỷ, nhưng thường có sự thống nhất trong một vùng trong miệng. Hình bên dưới biểu thị một dẫn chứng của sâu răng ở bệnh nhân bị khô miệng sau khi thực hiện liệu pháp xạ trị ung thư vùng đầu và cổ. Sử dụng liệu pháp fluor tại chỗ như là dung dịch tái khoáng hoá và vệ sinh răng miệng kỹ càng có thể làm giảm đáng kể những tác hại của xạ trị lên răng do khô miệng.
Hình 19. Sâu răng sau xạ trị
Những công cụ chẩn đoán thay thế nhằm phát hiện sâu răng
Những phương pháp khác được phát triển cùng với thăm khám trên lâm sàng và X quang để phát hiện sâu răng. Bao gồm đèn huỳnh quang (QLF), phương pháp soi bằng sợi ánh sáng laser “Diagnodent” (FOTI), đo điện áp dẫn điện (ECM) và siêu âm. QLF có thể được sử dụng để định lượng mức độ mất khoáng trên bề mặt nhẵn, trong khi đó Diagnodent và ECM áp dụng được trên mặt nhai. Hai phương pháp này hoạt động bằng cách hiển thị một giá trị cung cấp thông tin định lượng về độ sâu của tổn thương. Không có phương pháp nào có thể phân biệt rõ rệt giữa tổn thương men và ngà hoặc giữa tổn thương ngà sâu và nông. FOTI được sử dụng ban đầu cho bề mặt bên nhưng có thể cũng được áp dụng ở mặt nhai. FOTI ít nhạy hơn so với X quang khi phân biệt giữa tổn thương nông và sâu. ECM tốt hơn FOTI khi xác định sâu răng mặt nhai ở người trẻ tuổi. Có ít bằng chứng cho thấy những phương pháp này có thể thay thế những phương pháp chẩn đoán truyền thống ở phòng khám.
Cân nhắc điều trị
Những tổn thương sâu răng ở men răng đòi hỏi điều trị can thiệp nhưng hiếm khi điều trị bằng cách tạo xoang. Khi phát hiện thấy trên X quang một vùng mất khoáng nhỏ thì cần quyết định xem liệu đây là một tổn thương hoạt động hay không hoạt động. Khi hình ảnh X quang cho thấy tổn thương giới hạn trong men răng thì xác suất cần tạo xoang thấp và tiên lượng ngăn chặn sâu răng tốt. Ngoài ra, nếu hình ảnh X quang cho thấy một tổn thương nằm trong ngà răng, cần điều trị để chắn đứng hoạt động của vi khuẩn gây nên quá trình mất khoáng răng. Việc điều trị những tổn thương này có thể bao gồm việc giảm lượng đường tiêu thụ, vệ sinh răng miệng đúng cách để giảm vi khuẩn, và sử dụng fluor tại chỗ để ức chế hoạt động của vi khuẩn, làm chậm quá trình khử khoáng và thúc đẩy tái khoáng hoá mặt ngoài tổn thương. Điều này có thể thực hiện thành công nếu bề mặt răng không có lỗ sâu và hình ảnh theo dõi trên X quang cho thấy sâu răng không tiến triển thêm. Tuy nhiên, khi bề mặt tổn thương có lỗ và hình ảnh X quang theo dõi cho thấy tổn thương tiến triển vào ngà răng thì cần tạo xoang và trám lại. Sâu răng đã có lỗ thì cần loại bỏ mô nhiễm khuẩn, có thể thực hiện từng bước tuỳ thuộc vào mức độ lan rộng của sâu răng, và trám răng lại để phục hồi lại hình dạng cũng như chức năng.
#sâurăng #tổnthươngrăng
Bài đăng lần đầu ngày: 9 Tháng mười một, 2017 @ 9:26 sáng