Nứt & gãy chân răng ( Phần 1)

Do có nhiều kiểu gãy nứt chân răng khác nhau nên có vô số các biểu hiện và triệu chứng của nó, chẩn đoán nứt răng cũng gặp khó khăn. Mức độ của một vết nứt có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tiên lượng của răng. Vì vậy, cần kiểm tra vết nứt trước khi tiến hành điều trị nha khoa. Có những vết nứt nhỏ trên bề mặt men nhưng cũng có những vết nứt làm gãy múi răng.

Vết nứt có thể tiến triển vào hệ thống chân răng và ảnh hưởng đến tuỷ răng, đôi khi nó có thể chia đôi răng thành hai mảnh riêng biệt. Vết nứt có thể nằm chéo, kéo dài về phía cổ răng, một khi mảnh thân răng bị vỡ ra thì phần răng còn lại đôi lúc có thể phục hồi lại được nhưng đôi lúc thì không phục hồi lại được. Triệu chứng biểu hiện có thể nhẹ, trung bình, rầm rộ hoặc đôi lúc có thể không có triệu chứng gì cả.

PHÂN LOẠI NỨT RĂNG

Trong nhiều tài liệu, người ta đã cố gắng phân loại nứt răng nhằm đưa ra các mức độ nứt, xem vết nứt tiến triển vào cấu trúc răng như thế nào. Dựa vào loại nứt răng, chúng ta có thể đưa ra kế hoạch điều trị và tiên lượng. Tuy nhiên có một điều không may là thông thường người ta không biết được mức độ lan rộng của vết nứt cho đến khi răng được nhổ ra. Do đó, xác định nứt răng thường dựa vào dự đoán chứ không phải là chẩn đoán xác định.

Nứt răng thường được phân làm 3 loại cơ bản:

  • Đường rạn
  • Gãy (hoặc nứt)
  • Chia chân răng

Đường rạn là các vết nứt trong men răng và không mở rộng vào ngà răng, xảy ra một cách tự nhiên hoặc sau chấn thương. Đường rạn phổ biến hơn ở răng người lớn và thường xảy ra ở các răng sau. Nếu chiếu đèn xuyên qua thân răng những răng này chúng ta sẽ thấy những đường nhỏ trong men răng và ánh sáng có thể chiếu xuyên qua chúng cho thấy vết nứt chỉ nằm trên phần bề mặt. Đường rạn thông thường không biểu hiện triệu chứng gì. Nếu không ảnh hưởng gì đến vấn đề thẩm mỹ thì không cần điều trị.

Vết nứt/gãy đi sâu hơn vào ngà răng chứ không còn nằm trên bề mặt như đường rạn và vết nứt chủ yếu lan về phía gần hoặc xa, liên quan đến gờ bên. Phương pháp nhuộm màu và chiếu đèn rất hữu ích trong việc quan sát đường nứt.

Triệu chứng của Gãy nứt chân răng

Triệu chứng của nứt răng có thể là không biểu hiện gì cho đến biểu hiện đau rầm rộ. Vết nứt/gãy răng không có nghĩa là răng bị chia làm hai phần, nó vẫn là một khối nguyên vẹn, nhưng nó có thể tiến triển thành chia đôi chân răng qua hoạt động ăn nhai. Một răng nứt có thể được điều trị đơn giản bằng trám răng, điều trị nội nha hoặc đôi khi phải nhổ răng, tuỳ thuộc vào hướng của đường nứt, mức độ triệu chứng và khả năng loại bỏ triệu chứng. Điều này làm cho việc điều trị lâm sàng nứt răng khó khăn, đôi lúc là không thể tiên lượng được.

Kết hợp nhiều yếu tố

Dấu hiệu và triệu chứng, tổng hợp chúng lại sẽ giúp nhà lâm sàng kết luận được mức độ của tình trạng bệnh lý hiện tại và đưa ra được một hội chứng. Tuy nhiên, nứt răng có thể biểu hiện dưới dạng vô số các dấu hiệu và triệu chứng nên khách quan mà nói, việc chẩn đoán xác định thường gặp nhiều khó khăn.

Vì lý do này nên tránh dùng thuật ngữ “hội chứng nứt răng”. Các nhân tố chủ quan và khách quan thấy được trong trường hợp nứt răng nhìn chung khá đa dạng; do đó chẩn đoán nứt răng thiên về việc dự đoán là nhiều hơn. Một khi đã đưa ra dự đoán, cần thông báo cho bệnh nhân về những nguy cơ khả năng điều trị thành công sẽ bị giảm so với tiên lượng ban đầu.

Phương án điều trị Gãy nứt chân răng

Vì những phương án điều trị răng nứt có mức độ thành công không cao nên cần phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa, đồng thời cần cho bệnh nhân ký vào bản cam kết khi điều trị.

Chia chân răng xảy ra khi vết nứt lan rộng từ mặt răng này đến một mặt răng khác, và răng bị chia làm hai phần. Nếu đường chia nằm chéo thì có thể loại bỏ mảnh răng nhỏ đi và răng có thể được phục hồi lại, chẳng hạn như vỡ múi. Tuy nhiên, nếu đường chia mở rộng xuống dưới bờ xương ổ, việc phục hồi răng và điều trị nội nha có thể không có tiên lượng tốt.

Bắt buộc phải tiên lượng chính xác trước khi tiến hành điều trị, tuy nhiên sẽ khó trong những trường hợp nứt răng như vậy. Tiên lượng lâu dài đối với những tình trạng nứt răng vẫn là một vấn đề khó, nhà lâm sàng nên thận trọng khi quyết định điều trị hay không điều trị trong những trường hợp chia chân răng.

Nứt & gãy chân răng đưa ra phương pháp điều trị

NỨT DỌC CHÂN RĂNG

Trong ba loại được phân ra ở trên, chắc chắn rằng nứt răng là phổ biến nhất, trong đó mức độ mở rộng của đường nứt thường khó xác định. Một trong những lý do phổ biến của bệnh lý nội nha tái phát là nứt dọc chân răng, một đường nứt lớn mở rộng theo chiều dọc xuống trục chân răng, thường đi xuyên qua tuỷ răng và mô nha chu. Đường nứt hay gặp nằm chính giữa răng chứ không nằm chéo (đường nứt chéo sẽ đi qua gờ bên của răng).

Những đường nứt này có thể hiện diện trước khi điều trị nội nha, thứ phát trong quá trình điều trị nội nha hoặc phát triển sau khi hoàn thành điều trị nội nha. Vì khó để chẩn đoán nứt dọc chân răng nên thường bác sĩ không nhận ra chúng. Thông thường, đường nứt sẽ dẫn đến chia đôi chân răng, tiên lượng giữ lại răng kém. Vì vậy, đánh giá răng trước điều trị là điều bắt buộc.

Nguyên nhân Gãy nứt chân răng 

Nứt dọc chân răng có thể từ chấn thương vật lý, chấn thương khớp cắn, thói quen cận chức năng nhai mạnh, hoặc bệnh lý gây tiêu chân răng dẫn đến nứt. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất của nứt dọc chân răng có thể là do điều trị nha khoa. Các thủ thuật nha khoa chẳng hạn như đặt chốt và pin, khoan vào vị trí chốt hoặc miếng trám quá chặt cũng có thể dẫn đến nứt dọc chân răng.

Thủ thuật nha khoa phổ biến nhất góp phần gây nứt dọc chân răng là điều trị nội nha.Trước khi điều trị, răng có thể đã có nguy cơ nứt dọc chân răng do thường răng đã bị sâu, mang một miếng trám lớn, nội tiêu, hoặc chấn thương. Những răng này sẽ dễ bị nứt dọc sau điều trị nội nha hơn do đã bị mất nước. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này nhận thấy không có sự khác biệt về đặc điểm ngà răng sau điều trị nội nha.

Mặc dù các đặc tính vật lý của ngà răng không bị ảnh hưởng của điều trị nội nha nhưng việc mở xoang tuỷ rộng và tạo hình ống tuỷ quá mức sẽ dẫn đến loại nhỏ nhiều ngà răng. Do đó, chân răng có thể trở nên yếu và dễ bị nứt dọc hơn. Lực nội ống tuỷ do việc nén quá mức trong lúc trám bít ống tuỷ cũng có thể làm tăng tỉ lệ nứt dọc chân răng.

Công ty Anh & Em.

Bài đăng lần đầu ngày: 16 Tháng mười một, 2017 @ 12:10 chiều

Viết một bình luận

Contact Me on Zalo

RELAX. ENJOY.

Nộp CV của bạn

Đăng ký sửa tay khoan miễn phí