Thiết kế cùi răng cho một phục hồi đúc và việc thực hiện thiết kế đó được chi phối bởi năm nguyên tắc:
Bảo tồn cấu trúc răng
Lưu giữ và kháng lực
Bền vững về cấu trúc
Kín khít rìa phục hồi
Bảo tồn mô nha chu
Bảo tồn cấu trúc răng
Bên cạnh thay thế cấu trúc răng bị mất, phục hồi còn phải bảo tồn cấu trúc răng còn lại. Các bề mặt răng còn nguyên vẹn nếu có khả năng duy trì khi tạo ra một phục hồi khỏe, lưu giữ tốt thì nên được giữ lại nếu sự đồng ý của bệnh nhân và yêu cầu lưu giữ cho phép điều đó. Tất cả các bề mặt răng không nên bị mài vô ích nhằm mục đích tiện lợi hay tiết kiệm thời gian.
Trong một số trường hợp.
Bảo tồn cấu trúc răng có thể đòi hỏi phải mài một lượng giới hạn cấu trúc răng lành mạnh để đề phòng mất không kiểm soát lượng cấu trúc răng lớn hơn về sau. Đây là lý do của việc mài 1.5 mm cấu trúc răng mặt nhai khi sửa soạn cùi răng cho một onlay gần nhai xa (MOD). Kim loại trên mặt nhai có thể bảo vệ chống lại các thất bại đột ngột, như vỡ cấu trúc răng, cũng như các thất bại ít rõ ràng hơn có thể gây ra bởi sự uống cong của cấu trúc răng.
Lưu giữ và kháng lựcMột phục hồi muốn hoàn thành nhiệm vụ của nó thì phải giữ nguyên được vị trí trên răng. Không có loại cement nào vừa tương hợp với cấu trúc răng sống và môi trường sinh học của khoang miệng, vừa cung cấp đủ đặc tính dán dính để giữ phục hồi ở nguyên vị trí chỉ bằng lực dán dính. Kết cấu hình học của cùi răng phải hỗ trợ tối đa cho cement để mang lại khả năng lưu giữ và kháng lực cần thiết.
Lưu giữ là chống lại lực làm bật phục hình dọc theo hướng lắp hay trục dài của cùi răng. Kháng lực là chống lại lực làm di lệch phục hồi theo hướng về phía chóp hoặc hướng chếch và chống lại bất kỳ chuyển động nào của phục hồi dưới lực nhai. Lưu giữ và kháng lực là hai đặc tính có liên quan mật thiết với nhau và thường không thể tách rời nhau.
Hình 9-1 Một phục hồi ngoài thân răng (a) sử dụng các bề mặt bên ngoài đối diện nhau để lưu giữ (b).
Hình 9-2 Một phục hồi trong thân răng (a) sử dụng các bề mặt bên trong đối diện nhau để lưu giữ (b).
Yếu tố cơ bản của lưu giữ đó là hai bề mặt theo hướng đứng đối diện nhau trên cùng một cùi răng.
Chúng có thể là bề mặt phía ngoài, như thành má và thành lưỡi của một chụp toàn phần (Hình 9-1a). Phục hồi ngoài thân răng là một ví dụ của lưu giữ hình ống (sleeve) hoặc bề mặt (veneer) (Hình 9-1b). Các bề mặt đối diện nhau cũng có thể nằm ở bên trong, như thành má và thành lưỡi của hộp mặt bên của một inlay nhai-bên (Hình 9-2a). Phục hồi trong thân răng chống lại lực làm bật bằng lưu giữ hình nêm (wedge) (Hình 9-2b). Nhiều loại phục hồi phối hợp cả hai loại lưu giữ.
Hình 9-3 Các bề mặt đối diện nhau ở bên ngoài (hàng trên) và bên trong (hàng dưới) với các độ thuôn 10, 15, và 20 độ.
Hình 9-4 Khi độ thuôn tăng lên, tính lưu giữ giảm. (theo Jorgensen4 và cộng sự.)
Độ thuôn
Bởi vì phục hồi sứ hoặc kim loại đúc được đặt lên hoặc đặt vào trong cùi răng sau khi phục hồi đã được chế tạo ở dạng cuối cùng của nó, các thành trục của cùi răng phải thuôn nhẹ để cho phép lắp được phục hồi; cụ thể là, về phía mặt nhai, hai thành bên ngoài đối diện nhau phải hơi hội tụ hoặc hai thành bên trong đối diện nhau phải hơi phân kỳ (Hình 9-3). Thuận ngữ góc hội tụ và góc phân kỳ có thể được sử dụng để mô tả mối tương quan tương ứng giữa các cặp thành đối diện nhau của cùi răng.
Mối tương quan của một thành của cùi so với trục dài của cùi được gọi làđộ nghiêng của thành đó. Một mũi khoan thuôn sẽ tạo ra một độ nghiêng 2 đến 3 độ cho bất kỳ bề mặt nào được mài nếu trục của mũi khoan được giữ song song với hướng lắp dự kiến của phục hồi. Hai bề mặt đối diện nhau, mỗi bề mặt có độ nghiêng 3 độ, sẽ tạo ra cho phục hồi độ thuôn 6 độ.
Theo lý thuyết, các thành đối diện của cùi răng càng song song với nhau thì lưu giữ càng tăng.
Cùi răng lưu giữ tốt nhất sẽ là cùi răng với các thành song song với nhau. Quả thực, một số tác giả trước đây ủng hộ sửa soạn các thành song song. 1,2 Tuy nhiên, không thể tạo ra các thành song song trong miệng mà không làm cho cùi bị lẹm. Các thành của cùi được làm thuôn để cho phép quan sát, tránh tạo ra vùng lẹm, bù trừ lại sự thiếu chính xác trong quá trình chế tạo phục hồi ở lab, và cho phép phục hồi khít sát hơn khi gắn.
Ward3 là một trong những người đầu tiên đề nghị độ thuôn là 5% đến 20% trên một inch (tương ứng là 3 đến 12 độ).
Jorgensen4 và Kaufman và cộng sự5 đã chứng minh trên thực nghiệm răng tính lưu giữ giảm khi độ thuôn tăng (Hình 9-4). Khuyến cáo độ thuôn tối ưu cho các thành trục của cùi răng cho các phục hồi đúc thay đổi từ 3 đến 5 độ6 đến 6 độ7 tới 10 đến 14 độ.8 Để giảm thiểu sức ép lên mặt tiếp giáp giữa cùi răng và phục hồi, độ thuôn 2.5 đến 6.5 độ đã được đề nghị là tối ưu. Khi độ thuôn tăng từ 0 đến 15 độ thì sức ép chỉ tăng nhẹ9; tuy nhiên, tại độ thuôn 20 độ, sức nén tăng mạnh.
Các nghiên cứu về mài cùi trên thực tế cho thấy độ thuôn trung bình lớn hơn nhiều giá trị được khuyến cáo. Ohm và Silness10 báo cáo độ thuôn trung bình là 19.2 độ theo chiều gần xa và 23.0 độ theo chiều ngoài trong trên răng sống và 12.8 độ gần xa và 22.5 độ ngoài trong trên răng chết tủy. Mack11 chỉ ra độ thuôn lâm sàng trung bình là 16.5 độ.
Weed và cộng sự12 cho thấy rằng sinh viên nha khoa có thể mài cùi chụp toàn phần với độ thuôn 12.7 độ trên hàm ma, nhưng mài cùi trên lâm sàng có độ thuôn trung bình là 22.8 độ. Noonan và Goldfogel,13 khảo sát 909 cùi chụp vàng toàn phần mài bởi sinh viên, báo cáo độ thuôn trung bình là 19.2 độ. Khi khảo sát trên các nha sĩ thành thạo, độ thuôn của cùi giảm dưới 20%. Khuôn lấy ngẫu nhiên từ các lab thương mại bởi Eames và cộng sự14 cho thấy độ thuôn trung bình là 20 độ.
Hình 9-5 Một chụp toàn phần sẽ lưu giữ tốt hơn trên răng hàm lớn so với răng hàm nhỏ bởi vì cùi răng hàm lớn có diện tích bề mặt lớn hơn.
Kent và cộng sự15 đánh giá độ thuôn của 418 cùi, được mài trong vòng 12 năm bởi một nha sĩ.
Họ đưa ra độ thuôn trung bình là 15.8 độ giữa thành gần và thành xa và 13.4 độ giữa thành má và thành lưỡi với cùi ở tất cả các vùng trong miệng, trung bình chung là 14.3 độ. Độ thuôn kết hợp thấp nhất (9.2 độ) thấy trên 145 cùi chụp sứ-kim loại răng trước, trong khi độ thuôn kết hợp lớn nhất (22.2 độ) đo được nằm trên 88 chụp toàn phần hàm dưới. Nordlander và cộng sự,16 đánh giá 208 cùi thực hiện bởi 10 nha sĩ, báo cáo độ thuôn thấp 17.3 độ với răng hàm nhỏ và độ thuôn lớn 27.3 độ với răng hàm lớn, trung bình chung là 19.9 độ.
Độ thuôn của cùi răng nên được giữ ở mức tối thiểu do nó ảnh hưởng bất lợi lên lên lưu giữ, nhưng Mack11 ước tính cần phải có độ thuôn tối thiểu là 12 độ để đảm bảo không có vùng lẹm. Khuynh hướng mài cùi quá thuôn phải được đề phòng thận trọng để tạo ra cùi với độ thuôn nhỏ nhất có thể và khả năng lưu giữ cao nhất có thể. Cố ý tạo độ thuôn có thể dễ dàng dẫn tới cùi quá thuôn và không lưu giữ.
Độ thuôn hoặc tổng cộng độ hội tụ 16 độ đã được đề nghị là có thể đạt được trên lâm sàng trong khi vẫn đáp ứng đủ khả năng lưu giữ.17,18 Đây là một mục tiêu tổng quát có thể chấp nhận được. Độ thuôn có thể thấp ở mức 10 độ trên cùi răng trước và cao ở mức 22 độ trên răng hàm. Khuyến cáo về độ thuôn cho từng nhóm răng được trình bày trong Bảng 9-1.
Cement tạo ra lực dán dính yếu, chủ yếu bởi các vi ngàm cơ học, giữa bề mặt bên trong của phục hồi và thành trục của cùi.
Do đó, diện tích bề mặt của cùi càng lớn thì lưu giữ càng tăng.5,19 Có thể phát biểu đơn giản, cùi trên răng to thì lưu giữ tốt hơn cùi trên răng nhỏ (Hình 9-5). Đây là một yếu tố phải cân nhắc khi mài cùi trên một răng nhỏ, đặc biệt là khi răng đó là trụ cho một phục hình từng phần cố định hoặc nẹp liên kết răng. Có thể làm tăng diện tích bề mặt lên một chút bằng cách thêm các hộp và rãnh lưu. Tuy nhiên, lợi ích mang lại từ việc này có thể liên quan nhiều hơn đến việc hạn chế chuyển động tự do hơn là tăng diện tích bề mặt.
Nguồn: Tổng hợp Internet
Bài đăng lần đầu ngày: 25 Tháng chín, 2019 @ 1:33 chiều