TẠO KHOẢNG BẰNG NHỔ RĂNG
Tạo khoảng bằng thủ thuật nhổ răng (chẳng hạn như răng khoẻ mạnh bình thường, răng ngầm, răng sữa chưa rụng).
Chỉ định
Răng khoẻ mạnh bình thường: nhổ răng khoẻ mạnh đã mọc được lên lịch như một phần của kế hoạch điều trị chỉnh nha tổng thể để tạo khoảng. Nhổ các răng kết hợp khác nhau được quyết định sau khi hoàn tất quá trình chẩn đoán. Tuy nhiên, thường thì nhổ răng cối nhỏ hoặc răng cối lớn đối xứng để tránh làm thay đổi đường giữa.
Răng mọc dưới mức khớp cắn: Chín phần trăm trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 12 tuổi có một hoặc nhiều hơn răng cối lớn mọc dưới mức khớp cắn. Nguyên nhân vẫn chưa rõ nhưng tình trạng này có tính gia đình và gặp phổ biến hơn ở một số nhóm dân tộc. Răng vĩnh viễn thay thế thường bị thiếu hoặc các răng này có thể bị cứng khớp. Chỉ định nhổ răng để chỉnh nha nếu việc làm đều những răng kế cận bị xáo trộn.
Răng sữa tồn tại lâu nên được nhổ đi nếu:
1) Có lung lay
2) Có răng vĩnh viễn thay thế nhưng mọc sai chỗ và có thể dùng lực chỉnh nha để đưa vào đúng khớp cắn.
3) Khoảng trống được tạo ra có thể đóng được khi sửa chữa chen chúc
Kỹ thuật
Tất cả các thủ thuật nhổ răng nên được thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận nhất có thể để bảo tồn xương mặt ngoài và mặt trong. Việc mất xương ổ răng có thể ngăn răng có vị trí lý tưởng sau chỉnh nha. Khi nhổ răng cối nhỏ, dùng lực kéo xuống liên tục trong khi lay răng, sẽ ngăn việc gãy các chân răng mảnh. X quang trước điều trị hữu ích cho việc lập kế hoạch và thực hiện nhổ răng.
Răng mọc dưới mức khớp cắn thường bị cứng khớp trong xương và có thể phải dùng mũi khoan để cắt.
LOẠI BỎ CẢN TRỞ MỌC RĂNG
(Chẳng hạn, răng dư, u răng)
Răng dư thường được nhổ vì:
1) Ở vùng phía trước hàm trên, răng dư có thể cản trở việc mọc răng cửa
2) Có thể tạo áp lực lên chân răng và dẫn đến làm sai vị trí những răng cạnh đó
3) Nếu mọc, có thể gây chen chúc trong cung hàm và có thể gây những biến chứng nha chu
4) Có thể có một nang đi kèm.
U răng có thể là phức hợp hoặc hỗn hợp và thường được chẩn đoán vô tình trên X quang chỉ khi chúng làm cho răng mọc trễ hoặc răng vĩnh viễn mọc sai vị trí nhiều. Sưng có thể là một phát hiện có liên quan. Sau khi được phát hiện, một u răng nên được loại bỏ ngay khi có thể mà không làm tổn hại những răng kế cận hoặc mầm răng.
Kỹ thuật
Tuỳ thuộc vào vị trí của răng mà sử dụng phương pháp mặt ngoài hay mặt trong để thủ thuật nhổ răng dư. Phim X quang trước phẫu thuật là rất cần thiết để xác định vị trí. Lật vạt như cách thông thường, loại bỏ xương và lấy răng ra với bằng áp lực tối thiểu tránh tổn thương răng cạnh bên. Nếu chân răng cong, tốt nhất là cắt răng và nhổ từng mảnh răng ra.
U răng hỗn hợp có một bao sợi, giúp việc loại bỏ dễ dàng hơn. U răng phức hợp lớn có bề mặt không đều, dính vào xương khiến việc loại bỏ khó khăn. Với trường hợp này cần cắt xương xung quanh cẩn thận.
NHỔ RĂNG NGẦM (Chẳng hạn răng nanh)
Chỉ định
Răng nanh mọc ngầm được chỉ định nhổ nếu:
1) Răng mọc lạc chỗ
2) Răng kế cận có tiếp xúc tốt, chẳng hạn răng cửa bên và răng cối nhỏ
3) Nó tạo áp lực lên chân răng cạnh nó dẫn đến tiêu chân răng hoặc răng mọc sai chỗ
4) Có bệnh lý liên quan đến răng nanh mọc ngầm
Kỹ thuật
Vị trí của răng ngầm được xác định trước phẫu thuật bởi phim X quang. Dùng phương pháp thay đổi vị trí ống chụp phim của Clark để xác định răng nằm ở phía má hay phía khẩu cái. Răng cửa bên và răng cối nhỏ thứ nhất còn sống tuỷ hay có bị lung lay không cũng cần được xác định trước phẫu thuật. Trong trường hợp thủ thuật nhổ răng có nguy cơ làm chết tuỷ hoặc lung lay những răng này thì cần chỉ định điều trị tuỷ và nẹp các răng liên quan lại. Lật vạt mặt ngoài hoặc mặt trong để tiếp cận răng nanh ngầm.
Loại bỏ xương bên trên bằng mũi khoan hoặc cây đục hình liềm để bộc lộ hoàn toàn thân răng bao gồm cả đỉnh múi nếu như thực hiện mà không có nguy cơ làm tổn thương những răng kế cận. Răng bây giờ có thể được nhổ nếu hình dạng chân răng cho phép cây nạy Warwick-James đặt vào phía gần. Nếu thân răng ngầm thì răng nanh nên được cắt ra và nhổ từng mảnh để tránh làm tổn thương chân các răng kế cận. Đóng vết thương bằng mũi khâu rời. Máng nhựa mặt trong có thể được mang để nâng đỡ vạt mặt trong sau phẫu thuật.
NHỔ MẦM RĂNG KHÔN
Chỉ định
Một số bác sĩ chỉnh nha tin rằng chen chúc răng cửa hàm dưới là do răng cối lớn thứ ba hàm dưới không mọc lên được. Vì vậy, ở trẻ có biểu hiện rõ rệt bất cân xứng về kích thước răng và kích thước cung hàm thì cần tiến hành nhổ mầm răng cối lớn thứ ba ở tuổi 7-9 tuổi hoặc lúc 16 tuổi khi các chân răng được hình thành một phần ba. Một ca phẫu thuật ở tuổi này đơn giản và ít sưng, đau, nhiễm trùng v.v… Ngoài ra, răng cối lớn thứ ba được nhổ trước khi nó ảnh hưởng đến mô nha chu của răng cối lớn thứ hai hoặc gây chen chúc trong cung răng dưới.
Kỹ thuật
Kỹ thuật của Bowdler Henry: cắt phía bên (1969). Dưới gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng, rạch một đường hình chữ S mở rộng ở vùng sau răng cối và lật vạt. Dùng mũi khoan xương tròn tạo một loạt các lỗ theo chiều ngang trên vị trí mầm răng. Sau đó dùng mũi khoan đó tạo một vết cắt theo chiều dọc ở bờ trước. Một đường cắt thứ hai qua xương mặt ngoài ở đầu phía sau với một góc 45o so với hàng các lỗ được khoan. Dùng cây đục tạo đường viền cửa sổ mặt ngoài, phá vỡ và loại bỏ cửa sổ xương này. Thân răng khôn nên được quan sát thấy trong nang của nó. Lấy mầm răng bằng cây nạy Warwick-James. Làm sạch vết thương và khâu bằng chỉ silk 3-0 hoặc Vicryl.
THỦ THUẬT CẮT XƯƠNG VỎ GIỮA CÁC RĂNG
Chỉ định
Thủ thuật này thường được thực hiện trên các răng trước hàm trên ở người trẻ khi thời gian mang khí cụ chỉnh nha cần được rút ngắn. Một hoặc nhiều răng có thể được di chuyển nhanh trong chỉnh nha nếu như thực hiện cắt xương vỏ giữa các răng được thực hiện trước khi mang khí cụ.
Kỹ thuật
Lật vạt rộng ở mặt ngoài và mặt trong dưới gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ, để bộc lộ xương vỏ mặt ngoài và mặt trong của răng. Các vết cắt theo chiều dọc có chiều rộng đã được xác định trước được thực hiện bằng mũi khoan ở cả hai bên mỗi răng đi xoa xương vỏ song song và không chạm vào chân răng. Điểm kết thúc của những đường cắt này được nối lại bởi những đường cắt ngang qua xương vỏ, vì vậy các răng cần điều chỉnh chỉ được nâng đỡ bởi xương xốp. Đặt lại vạt và khâu. Sau 2-3 ngày, có thể gắn khí cụ chỉnh nha và đạt được di chuyển răng nhanh. Cần mang hàm duy trì 6 tháng để ổn định kết quả.
CẤY CHUYỂN RĂNG (Chẳng hạn răng nanh)
Chỉ định
Cấy chuyển răng tự thân thường được thực hiện đối với răng nanh hàm trên bị sai vị trí khi có đủ khoảng trống trên cung hàm. Nó thường được thực hiện ở những người trẻ tuổi có xương đàn hồi và răng nanh có thể được nhổ với tổn thương tối thiểu ở mô nha chu.
CẮT XƯƠNG ĐỂ NONG NHANH KHẨU CÁI
Chỉ định
Người trưởng thành có xương hàm trên hẹp. Nong nhanh khẩu khái không thể thực hiện chỉ bằng khí cụ chỉnh nha ở những bệnh nhân này vì đường khớp giữa và bên của xương hàm trên đã hợp nhất.
Kỹ thuật
Một thiết bị nong có vít được gắn trước khi phẫu thuật và sau đó cắt xương vỏ ở thành xương hai bên. Đường khớp giữa cũng được cắt qua một đường cắt dọc. Kích hoạt vít và nong hàm trên được thực hiện hằng ngày cho đến khi hoàn tất. Thời gian ổn định là 6 tuần để xương tái thiết lập lại.
NHỔ RĂNG TUẦN TỰ
Thủ thuật nhổ răng sữa theo kế hoạch phụ thuộc vào sự tăng trưởng của hàm và sự mọc răng vĩnh viễn nhằm mang lại những thay đổi trong khớp cắn. Bệnh nhân có thể không cần điều trị chỉnh nha trong tương lai hoặc thời gian điều trị được rút ngắn.
—
Nguồn: Gurkeerat Singh (2007), “Textbook of Orthodontics“, 2nd edition, Jaypee Brothers Medical Publishers (P) Ltd
Biên dịch: BS Lương Thị Quỳnh Tâm
Bài đăng lần đầu ngày: 23 Tháng chín, 2019 @ 5:10 chiều