Chỉnh nha ( Phần 15): IMPLANT

Implant là một vật đánh dấu nhân tạo có tính cản quang được chèn vào, thường làm bằng kim loại trơ. Chúng là “những điểm cá nhân” và vị trí của chúng có thể khác nhau tuỳ từng cá thể làm cho nghiên cứu cắt ngang rất khó. Chúng có thể nằm chính xác hơn những điểm truyền thống và cung cấp một vị trí đặc biệt chính xác, lý tưởng trong nghiên cứu theo chiều dọc trên cùng một cá thể.

implant nha khoa

ĐIỂM ĐƯỢC TẠO RA

Những điểm được tạo ra giống như tên gọi của chúng, được tạo ra nhằm mục đích so sánh hoặc đo lường trong phim cephalometric. Chúng gồm có ba loại sau:

Điểm nằm ở đường viền ngoài

Điểm nằm ở đường viền ngoài là những điểm đặc trưng bởi thuộc tính liên quan đến một đường viền ngoài liên lục:

  • Những điểm ở vị trí cực kỳ cong chẳng hạn như điểm Incision Superius (Is)
  • Những điểm có toạ độ lớn nhất hoặc nhỏ nhất trong tất cả các điểm ở đường viền ngoài, chẳng hạn như điểm A, điểm B, điển Gnathion (Gn) hoặc Condylion (Co). Những điểm này có độ chính xác ít hơn so với những điểm giải phẫu thật sự.
  • Những điểm đi theo cặp chẳng hạn như hai điểm gonion được dùng để đo chiều rộng xương hàm dưới trên phim X quang chụp theo chiều trước sau.

Điểm là giao của các cạnh

“Điểm” được xác định như là giao của các hình ảnh đường thẳng. Chẳng hạn như điểm Articulare (Ar) và Pterygomaxillary fissure (Ptm), chúng vốn dĩ không phải là điểm và cũng không phải là một phần của xương sọ cứng. Những “điểm” loại này chỉ tồn tại chỉ trên phim X quang và phụ thuộc vào vị trí của vật thể được chụp.

Điểm là giao của các cạnh kéo dài

Giao điểm của các cạnh kéo dài cũng được xem như “điểm”. Chẳng hạn như “Gonion” đôi khi lại được xác định bằng giao điểm các đường ở cành đứng và cành ngang xương hàm dưới.

87-89. THIẾT LẬP CHẨN ĐOÁN KESLING

HD Kesling đã giới thiệu về thiết lập chẩn đoán bằng một mẫu hàm phụ được cắt tỉa. Mẫu hàm này giúp cho quá trình chẩn đoán của bác sĩ vì nó mô phỏng những di chuyển khác nhau của răng mà sau này sẽ được thực hiện ở trên bệnh nhân. Những răng riêng biệt nằm trong xương ổ răng được cắt ra khỏi mẫu hàm bằng cưa và đặt lại vào vị trí mong muốn sau cùng của nó.

Các bước thực hiện:

  • Mẫu hàm tương quan với FMIA (góc giữa mặt phẳng Franfort và trục răng cửa dưới)
  • Cho FMIA = 65 o và tìm vị trí lý tưởng của các răng cửa dưới theo chiều gần xa
  • Làm thẳng các răng cửa giữa và cửa bên hàm dưới khi FMIA = 65 o
  • Các răng cửa dưới được đặt một góc đúng so với mặt phẳng hàm dưới
  • Xác định vị trí răng nanh
  • Xác định vị trí răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai
  • Nếu như khoảng trống còn lại đủ để đặt răng cối lớn thứ nhất thì không cần nhổ răng.
  • Nếu khoảng trống không đủ và cần nhiều khoảng hơn thì có thể dựng trục răng cối lớn thứ hai, sau đó cần nhổ một số răng mà thường là răng cối nhỏ thứ nhất.
  • Khi đã hoàn tất hàm dưới, các răng hàm trên được cưa ra khỏi đế mẫu hàm và sắp xếp lại theo tương quan cắn khớp với các răng hàm dưới.

Ứng dụng thiết lập chẩn đoán

  1. Hỗ trợ lập kế hoạch điều trị vì nó giúp quan sát được sự bất cân xứng giữa răng và chiều dài cung răng và qua đó xác định được xem liệu có cần nhổ răng hay không.
  2. Ảnh hưởng của việc nhổ răng và sự di chuyển răng kéo theo sau đó.
  3. Nó cũng đóng vai trò như một công cụ tạo động lực cho cho bệnh nhân muốn thực hiện việc dịch chuyển vị trí của răng

64-86. Phân tích mẫu hàm

Phân tích Pont

Vào năm 1909, Pont trình bày với các chuyên gia một hệ thống mà qua đó chỉ cần đo kích thước 4 răng cửa hàm trên thì tự động thiết lập được chiều rộng cung hàm ở vùng răng cối nhỏ và răng cối lớn. Chiều rộng lớn nhất của các răng cửa được đo bằng thước kẹp, sau đó tính tổng chiều dài của chúng bằng millimet. Giá trị này được gọi là Tổng Các Răng Cửa (SI: Sum of Incisors)

Đo khoảng cách giữa răng cối nhỏ thứ nhất hàm trên bên phải và răng cối nhỏ thứ nhất hàm trên bên trái (chẳng hạn như tại vị trí phía xa trên rãnh mặt nhai), giá trị này được gọi là Số Đo Răng Cối Nhỏ (MPV: Measured Premolar Value).

Đo khoảng cách giữa răng cối lớn thứ nhất hàm trên bên phải và răng cối lớn thứ nhất hàm trên bên trái (chẳng hạn như tại trũng gần trên mặt nhai), giá trị này được gọi là Số Đo Răng Cối Lớn (MMV: Measured Molar Value). Còn ở các răng hàm dưới thì vị trí đo là tại đỉnh múi ngoài xa của các răng cối lớn vĩnh viễn.

Ước tính giá trị răng cối nhỏ (CPV: Calculated premolar value). Độ rộng mong muốn của cung hàm vùng răng cối nhỏ được tính theo công thức sau:

SI × 100 / 80

Ước tính giá trị răng cối lớn (CMV: Calculated molar value). Độ rộng mong muốn của cung hàm tại vùng răng cối lớn được tính theo công thức:

SI × 100 / 64

Sự khác biệt giữa giá trị ước tính và giá trị thực đo được sẽ quyết định xem có cần nong rộng hàm hay không. Nếu giá trị đo được nhỏ hơn, cần nong rộng hàm.

Chỉ số Pont cho ta biết được một dấu hiệu tương đối về mức độ hẹp của cung răng trong trường hợp có sai khớp cắn cũng như mức độ nong rộng cần thiết để cung hàm có đủ kích thước cho răng sắp xếp đều đặn được.

Hạn chế của phân tích Pont

  1. Răng cửa bên hàm trên là răng thường bị thiếu nhất trong khoang miệng
  2. Răng cửa bên hàm trên thường thay đổi hình dạng như “răng hình chêm”
  3. Phân tích này bắt nguồn từ việc phân tích mẫu hàm của người dân nước Pháp
  4. Nó không cân nhắc đến vấn đề sai hình về xương.
  5. Nó có thể hữu ích để biết được kích thước mong muốn của hàm trên, nhưng việc đạt được sự tương ứng về kích thước hàm dưới nhằm duy trì sự cân bằng khớp cắn càng khó hơn,
  6. Chỉ số Pont không tính đến mối tương quan giữa răng và xương nâng đỡ, hoặc việc khó tăng kích thước xương hàm dưới.

Chúng ta nên ghi nhớ rằng hình dạng cung hàm trên và cung hàm dưới ban đầu của bệnh nhân nên được xem là hướng dẫn sau cùng về độ rộng cung hàm hơn là những giá trị sẽ đạt được bằng chỉ số Pont.

Chỉ số của Linder Harth

Linder Harth đề xuất một phân tích tương tự như phân tích của Pont. Tuy nhiên, ông có một số thay đổi trong công thức tính giá trị răng cối nhỏ và răng cối lớn. Giá trị răng cối nhỏ được xác định theo công thức sau:

SI * 100 / 85

Giá trị răng cối lớn được xác định theo công thức sau:

SI * 100 / 64

Trong đó SI = tổng kích thước gần – xa của các răng cửa.

PHÂN TÍCH KORHAUS

Phân tích này sử dụng công thức của Linder Harth để xác định độ rộng lý tưởng của cung hàm tại vùng răng cối nhỏ và răng cối lớn. Một số đo nữa là từ điểm giữa đoạn thẳng nối giữa hai răng cối nhỏ đến điểm giữa các răng cửa hàm trên. Theo Korkhaus, với giá trị cho trước của chiều rộng các răng cửa thì có một giá trị khoảng cách cụ thể từ điểm giữa đoạn nối hai răng cối nhỏ đến điểm giữa hai răng cửa hàm trên. Trong trường hợp răng cửa trên nghiêng trước thì số đo này tăng lên và khi răng trên lùi thì số đo này giảm.

Giá trị hàm dưới ghi nhận được là Ll, giá trị hàm trên ghi nhận được là Lu thì nếu đúng chuẩn ta sẽ có Ll = Lu – 2.

PHÂN TÍCH ASHLEY HOWE

Ashley Howe cho rằng răng chen chúc là do thiếu chiều rộng hàm hơn là thiếu chiều dài cung hàm. Ông nhận thấy rằng có mối tương quan giữa tổng chiều rộng đường kính gần xa của các răng trước đến răng cối lớn thứ hai vĩnh viễn và chiều rộng cung răng ở vùng răng cối nhỏ thứ nhất.

Một số định nghĩa

1. Tổng kích thước răng (Total tooth material – TTM) là tổng độ dài gần xa của răng từ răng cối lớn thứ nhất đến răng cối lớn thứ nhất (bao gồm cả răng cối lớn thứ nhất), đo từ mẫu hàm bằng thước compa hoặc dụng cụ Boley.

2. Chiều dài cung răng ban đầu (Basal arch length – BAL) Ở hàm trên đo đường giữa vẽ từ điểm A của Downs chiếu vuông góc với mặt phẳng nhai đến điểm giữa trên đường nối mặt xa của các răng cối lớn thứ nhất.

Ở cung hàm dưới phép đo được thực hiện từ điểm B của Downs đến một điểm trên mặt lưỡi của mẫu hàm với cách thực hiện tương tự như ở hàm trên.

3. Đường kính răng cối nhỏ (Premolar diameter – PMD) Là chiều rộng cung hàm được đo từ đỉnh múi ngoài các răng cối nhỏ thứ nhất.

4. Chiều rộng cung hàm vùng răng cối nhỏ ban đầu (Premolar basal arch width – PMBAW) Bằng cách dùng dụng cụ Boley để đo đường kính của chóp từ hố nanh một bên sang hố nanh bên còn lại.

Theo Ashley Howe, để xác định liệu vị trí chóp răng của bệnh nhân có thích ứng với răng bệnh nhân, thực hiện các phép tính toán sau:

  • Tỉ lệ phần trăm đường kính răng cối nhỏ với tổng kích thước răng:

PMD/TTM × 100

  • Tỉ lệ phần trăm chiều rộng cung hàm vùng răng cối nhỏ ban đầu với tổng kích thước răng:

PMBAW/TTM × 100

  • Tỉ lệ phần răng chiều dài cung răng ban đầu với tổng kích thước răng:

BAL/TTM × 100

So sánh giữa PMBAW và PMD giúp đưa ra gợi ý về nhu cầu và lượng nong rộng cần thiết và PMBAW% gợi ý việc có cần nhổ răng hay không nhổ răng trong kế hoạch điều trị.

Suy luận

  • Nếu chiều rộng cung hàm vùng hố nanh lớn hơn chiều rộng vùng răng cối nhỏ (PMBAW>PMD), đó là dấu hiệu cho thấy nền cung hàm đủ để nong rộng tại vùng răng cối nhỏ.

Nếu độ rộng vùng hố nanh tức PMBAW nhỏ hơn PMD thì có ba khả năng:

+ Không điều trị

+ Di chuyển răng về phía xa đến vùng rộng hơn của cung răng

+ Nhổ răng

  • Theo Howe, implant để đạt được khớp cắn bình thường với đầy đủ các răng thì số đo vùng hố nanh (PMBAW) phải chiếm 44% tổng kích thước các răng hàm trên. Khi tỉ lệ này nằm giữa 37% và 44% thì cân nhắc việc nhổ răng cối nhỏ thứ nhất hoặc không, trường hợp này được coi là nằm ở ranh giới giữa nhổ răng hoặc không. Khi tỉ lệ này nhỏ hơn 37% thì cần nhổ răng cối nhỏ thứ nhất vì nền cung hàm không đủ rộng. Bất kỳ giá trị nào từ 44% trở lên thì đều chỉ định không nhổ răng. Do đó, phân tích này hữu ích trong việc lên kế hoạch điều trị và giúp quyết định xem liệu nên nhổ răng hay nong rộng.

Nguồn: bác sĩ Lương Thị Quỳnh Tâm

Xem thêm sản phẩm morita

Bài đăng lần đầu ngày: 30 Tháng mười một, 2017 @ 3:25 chiều

Viết một bình luận

Contact Me on Zalo

RELAX. ENJOY.

Nộp CV của bạn

Đăng ký sửa tay khoan miễn phí