Chỉnh nha ( Phần 17)

49-63. Chương 8. MẪU HÀM NGHIÊN CỨU TRONG CHỈNH NHA

GIỚI THIỆU

Mẫu hàm nghiên cứu trong chỉnh nha là phương tiện chẩn đoán cơ bản nhất, giúp nghiên cứu khớp cắn và bộ răng theo ba chiều không gian. Nó là bản sao chính xác bằng thạch cao của răng và mô mềm xung quanh răng.

YÊU CẦU CỦA MẪU HÀM CHỈNH NHA LÝ TƯỞNG

  1. Các mẫu hàm cần tái tạo lại chính xác các răng và cấu trúc mô mềm xung quanh chúng
  2. Mẫu hàm được mài sao cho có tính đối xứng, dễ nhìn và có thể nhận ra phần hàm bất đối xứng dễ dàng
  3. Mẫu hàm được mài sao cho khớp cắn răng thấy được khi đặt các mẫu hàm trên đế của nó.
  4. Mẫu hàm được mài sao cho có thể đo đạt được
  5. Mẫu hàm sạch, trơn láng, không bị bọng khí với các góc cắt gọt vuông vức
  6. Mẫu hàm hoàn chỉnh cần có một lớp chống mài mòn.

TẠI SAO CHÚNG TA LÀM MẪU HÀM NGHIÊN CỨU?

  1. Chúng rất có giá trị trong việc lên kế hoạch điều trị, vì là bản sao hàm răng của bệnh nhân theo ba chiều không gian.
  2. Khớp cắn có thể quan sát được từ mặt trong
  3. Nó cung cấp bản sao mối tương quan giữa hai hàm và khớp cắn tại thời điểm bắt đầu điều trị; điều này cần thiết trong pháp y.
  4. Nó là hình ảnh trực quan giúp bác sĩ giám sát quá trình thay đổi khi răng di chuyển.
  5. Giúp tạo động lực cho bệnh nhân, vì bệnh nhân có thể thấy được sự tiến triển của cuộc điều trị
  6. Nhằm so sánh với kết quả sau khi hoàn thành điều trị
  7. Giúp nhắc nhở bệnh nhân và người nhà về tình trạng răng của mình lúc bắt đầu điều trị
  8. Trong trường hợp bệnh nhân phải chuyển đến điều trị ở một nha sĩ khác, mẫu hàm nghiên cứu là một dữ liệu vô cùng quan trọng.

CÔNG DỤNG CỦA MẪU HÀM NGHIÊN CỨU

  1. Đánh giá và ghi lại giải phẫu răng
  2. Đánh giá và ghi lại tương quan múi răng
  3. Đánh giá và ghi lại hình dạng cung răng
  4. Đánh giá và ghi lại đường cong cắn khớp
  5. Đánh giá khớp cắn với sự hỗ trợ của giá khớp
  6. Đo đạt tiến triển điều trị
  7. Phát hiện những bất thường, chẳng hạn như sự mở rộng hoặc biến dạng cung hàm, v.v…
  8. Đo đạt khoảng cách cần thiết/sự chệnh lệch
  9. Dùng làm mẫu hàm lưu trữ trước, trong và sau điều trị nhằm mục đích nghiên cứu quy trình và sự ổn định của điều trị.

THÀNH PHẦN CỦA MẪU HÀM NGHIÊN CỨU

Để thuận tiện cho việc mô tả, mẫu hàm nghiên cứu được chia làm hai phần:

– Phần giải phẫu

– Phần nghệ thuật

Phần giải phẫu là phần sao chép lại hình dạng cung răng và cấu trúc mô mềm xung quanh nó. Đây là phần cần được bảo tồn tốt trong quá trình cắt tỉa mẫu hàm.

Phần nghệ thuật là phần thạch cao làm đế cho phần giải phẫu. Phần này được cắt tỉa theo nguyên tắc cho trước, nhìn chung có dạng cung răng và dễ nhìn.

CÁCH ĐỔ MẪU VÀ CẮT TỈA MẪU HÀM NGHIÊN CỨU

Những bước đầu tiên khi làm mẫu hàm nghiên cứu là:

  1. Loại bỏ những gờ nhọn hoặc vùng thạch cao thừa quá nhiều ở ngoại vi mẫu hàm
  2. Loại bỏ những nốt bọng trên bề mặt răng
  3. Loại bỏ những phần thạch cao thừa ở vùng phía sau mẫu hàm mà khiến hai mẫu hàm không khớp được với nhau
  4. Dùng sáp cắn, ăn khớp hai mẫu hàm lại với nhau.
, Công ty Anh & Em | J. Morita Việt Nam

CÁC BƯỚC LÀM MẪU HÀM NGHIÊN CỨU

  1. Xác định mặt phẳng nhai của hàm răng. Đế của mẫu hàm dưới sẽ song song với mặt phẳng nhai. Mặt phẳng nhai được xem là mặt phẳng tạo bởi 3 điểm cao nhất trên các răng đã mọc.
  2. Mài mặt sau của mẫu hàm dưới vuông góc với đế mẫu. Điều này được thực hiện gần như đối xứng trên mẫu bằng cách đo khoảng cách từ phía xa của răng cối lớn thứ nhất hoặc răng cối nhỏ thứ hai đến mặt sau của mẫu hàm cả bên phải lẫn bên trái. Trên mẫu hàm không đối xứng, cần bù trừ để đảm bảo rằng mặt sau mẫu hàm gần như vuông góc với đường giữa nhiều nhất có thể. Đường giữa của mẫu hàm dưới nên tương ứng với đường giữa khẩu cái. Nhìn chung ta dễ dàng xác định được đường giữa ở mẫu hàm trên. Mặt sau mẫu không nên mài quá gần với mặt sau các răng hàm dưới.
  3. Để mài mặt sau của mẫu hàm trên, đặc mẫu hàm vào sáp cắn. Sáp cắn không chỉ giúp duy trì mối tương quang giữa hai hàm mà còn tránh gây nứt gãy răng. Mài cẩn thận mặt sau của mẫu hàm sao cho mẫu hàm trên trùng sát với mẫu hàm dưới. Mặt sau của mẫu hàm trên và hàm dưới tạo một góc 90 độ với đế mẫu hàm. Mài cho đến khi vừa chạm đến lồi cùng xương hàm trên, cách mặt sau các răng cuối cùng khoảng vài millimet.
  4. Mài đế mẫu hàm trên song song với đế của mẫu hàm dưới. Mài đến khi nào đế phẳng nhưng vẫn để lại một vài millimet dự trù để mặt phẳng nhai của mẫu có thể nằm ở trung tâm và mẫu hàm hoàn thành có kích thước như được chỉ định. Mặt phẳng nhai cần nằm ở trung tâm giữa mặt trên của hàm trên và đế của mẫu hàm dưới, khi không để sáp cắp thì các mẫu hàm được quan sát từ phía ngoài.
  5. Bây giờ chúng ta có hai đế hàm song song với nhau và với mặt phẳng nhai. Mặt sau của hai đế mẫu hàm tạo một góc vuông với các đế, mặt phẳng nhai và đường giữa khẩu cái.

Từ giờ trở đi, mẫu hàm trên và mẫu hàm dưới sẽ được mài riêng lẽ từng cái.

Mẫu hàm dưới

  1. Cắt mặt ngoài tại bờ hành lang sao cho tạo một góc 60 độ với mặt sau mẫu hàm. Bờ hành lang cách điểm lồi nhất của răng nanh hoặc răng cối nhỏ hàm dưới (tuỳ thuộc điểm lồi nhất thuộc răng nào) khoảng 5 đến 6mm. Mẫu hàm được mài sao cho không vượt quá điểm sâu nhất trên ngách hành lang tại vùng răng cối lớn thứ nhất hoặc thứ hai. Nếu những điều hướng dẫn trên buộc đường cắt vượt quá chiều sâu của ngách hành lang thì ta nên sử dụng chính độ sâu của ngách hành lang để xác định chiều sâu của đường cắt mặt ngoài.
  2. Phần trước của mẫu hàm dưới được mài có dạng vòng cung, nên mài giống như một phần của vòng tròn. Bán kính của đoạn vòng cung này nên đại diện cho độ cong chung của các răng cửa hàm dưới. Mẫu hàm hoàn thành có bờ cong cách răng cửa dưới khoảng 5 – 6 mm.
  3. Gót của mẫu hàm dưới được mài sao cho tạo một góc 115 độ với mặt sau của mẫu hàm. Sàn miệng cần thẳng và làm mịn để tạo nên một mặt phẳng.

Mẫu hàm lý tưởng sẽ có phần nghệ thuật chiếm 1/3 tổng chiều cao, phần giải phẫu chiếm 2/3 tổng chiều cao.

Mẫu hàm trên

  1. Mài đường viền ngoài ngách hành lang sau cho tạo một góc 60 độ với mặt sau của mẫu hàm.
  2. Mài vùng phía trước sao cho các đỉnh nhọn nằm tại vị trí đường giữa và vùng răng nanh. Vùng cắt nên cách mặt ngoài các răng trước 5 đến 6mm, mài hai bên đối xứng nhau về chiều dài và giao nhau tại đường giữa.
  3. Gót của mẫu hàm trên được mài bằng cách khớp hai mẫu hàm với nhau và mài hoàn tất sao cho gót của mẫu hàm dưới tạo 115 độ với đế mẫu hàm. Gót của hàm trên có thể không cùng chiều dài với hàm dưới.
  4. Chiều cao tổng cộng của hai mẫu hàm hoàn tất khi khớp lại với nhau khoảng bằng 7cm.

Các mẫu đế nhựa hiện nay trên thị trường có thể được dùng để làm đế cho mẫu hàm trên và dưới khi lên giá khớp. Những đế này có những thuận lợi là đã có kích thước chuẩn, được làm từ nhựa và vì vậy dễ dàng lưu trữ. Cách làm đế mẫu hàm từ các mẫu đế làm sẵn như sau:

  1. Dùng một cây bút chì vẽ đường giữa làm vị trí tham chiếu trên mẫu đế làm sẵn, đánh dấu đường giữa trên mẫu hàm trên. Chồng đường giữa khẩu cái hàm trên trùng với đường vẽ trên mẫu đế làm sẵn đã vẽ trước đó. Cố định mẫu hàm vào mẫu đế nhựa làm sẵn bằng các móc và dây thun.
  2. Sau khi đặt đúng mẫu hàm trên vào đế nhựa, đổ một lượng thạch cao vừa đủ vào đế mẫu hàm trên. Loại bỏ phần thạch cao thừa và làm bóng lại phần hàm trên. Tháo bỏ các sợi dây thun sau khi thạch cao cứng.
  3. Đặt mẫu hàm dưới ăn khớp với mẫu hàm trên trên giá khớp và cố định lại bằng thun, sau đó làm đế của mẫu hàm dưới. Loại bỏ phần thạch cao thừa và hoàn tất mẫu hàm.

Hoàn tất mẫu hàm

Bề mặt mẫu hàm cần được làm trơn nhẵn, phẳng và tạo những góc độ đúng với đế mẫu hàm. Quà trình hoàn thiện mẫu hàm không được làm thay đổi các kích thước hoặc góc độ nào của mẫu hàm. Trong kỹ thuật dùng đá carborundum, mẫu hàm được đánh bóng bằng đá với áp lực vừa phải dưới tia nước cho đến khi bề mặt trơn mịn. Phương pháp này nhằm chà mẫu hàm trên một bề mặt kính mờ. Sau khi hoàn tất bề mặt và mẫu hàm có kích thước tiêu chuẩn thì sẽ làm khô mẫu hàm trong 48 giờ hoặc sấy khô qua đêm trong lò nướng chỉnh nha. Lúc này, mẫu hàm nên được dán nhãn tên bệnh nhân và ngày làm ở mặt sau mẫu hàm trên lẫn hàm dưới.

Lớp phủ kính cuối cùng được thực hiện bằng cách nhúng mẫu hàm vào dung dịch làm bóng. Để mẫu hàm trong dung dịch này trong 1,5 giờ. Sau đó ngâm mỗi mẫu hàm trong nước lạnh, rồi đánh bóng, rửa sạch bằng xà phòng và lau lại bằng bông gòn. Mẫu hàm được làm khô tiếp tục trong vòng 12 giờ, sau đó đánh bóng thật nhẹ lại bằng bông.

Mẫu hàm nên được đặt trên một mặt phẳng với lưng nằm bên dưới. Nên lấy hai mẫu hàm cùng nhau và luôn để lại vị trí cũ cùng nhau.

Nguồn: bác sĩ Lương Thị Quỳnh Tâm

Bài đăng lần đầu ngày: 6 Tháng mười hai, 2017 @ 9:41 sáng

Viết một bình luận

Contact Me on Zalo

RELAX. ENJOY.

Nộp CV của bạn

Đăng ký sửa tay khoan miễn phí