Để thực hiện một ca Implant thành công việc truyền tải những thông tin trong quá trình điều trị tới labo là rất quan trọng. Nếu ta sử dụng coping lấy dấu hình trụ tròn, và gắn nó vào một implant với mô nướu xung quanh có hình dạng giải phẫu, ta sẽ có nguy cơ không ghi nhận được hết tất cả những chi tiết cần thiết. Điều này là chắc chắn, vì ta có thể lấy dấu được vị trí tương quan của implant với các răng còn lại, nhưng có thể sẽ bị thiếu một vài cấu trúc của mô nướu, phần mà chúng ta đã mất vài tuần trước đó để tạo hình.
Thường mô nướu sẽ bắt đầu co lại ngay lập tức sau khi ta tháo abutment ra. Implant càng sâu dưới nướu, ta sẽ thấy nướu co lại vào đỉnh implant càng nhanh. Nếu tháo trụ lành thương, phục hình tạm hay abutment ra quá lâu, có khi ta phải làm lại phẫu thuật bộc lộ implant thì 2 một lần nữa chứ chẳng chơi.
Sau đây là kỹ thuật mà tác giả sử dụng để truyền tải hình thái của phục hình tạm cho lab. Những kỹ thuật tương tự cũng đã được trình bày qua nhiều tài liệu khác nhau.
Trước hết, hãy ngắm nghía lại hình thái nướu rất đẹp của lỗ thoát được tạo từ phục hình tạm của chúng ta.
Dạng thoát của một răng cửa bên hơi rộng theo chiều gần-xa và phục hình tạm tương ứng.
Sau đó gắn bản sao implant vào phục hình tạm. Bơm một ít chất lấy dấu PVS (cao su polyvinyl siloxane) ra ly nhựa nhỏ. Vùi bản sao implant và phục hình tạm vào trong cao su và chờ tới khi cao su đông cứng hoàn toàn.
Gắn bản sao implant vào phục hình tạm và vùi vào trong cao su.
Khi cao su đã đông cứng hoàn toàn, tháo phục hình tạm ra và ta sẽ thấy hình thái mô nướu xung quanh phục hình tạm đã được ghi dấu lại quanh bản sao implant. Đến đây ta cần gắn lại phục hình tạm vào lại trong miệng để nâng đỡ nướu trước khi hoàn tất giai đoạn cuối cùng.
Dạng thoát của phục hình tạm đã được ghi dấu lại trong lòng khối cao su.
Gắn coping lấy dấu vào bản sao implant và cho vật liệu tạo hình vào chỗ trống. Các nha sĩ thường sử dụng composite lỏng, nhựa acrylic hoặc pattern resin để làm việc này. Cá nhân tác giả thì thích sử dụng Pattern Resin của GC vì nó là loại tự trùng hợp và rất ổn định. Bôi nhựa vào chỗ trống và chờ cho nhựa trùng hợp hoàn toàn.
Coping lấy dấu hình trụ ban đầu giờ đã thành coping lấy dấu cá nhân nhờ vào GC Pattern Resin.
Vậy là xong. Bây giờ hãy nhìn ngắm lại toàn bộ coping lấy dấu cá nhân thật lung linh của chúng ta nào.
Coping lấy dấu cá nhân đã hoàn thành.
Ps: Một số điều mình đã học được:
- Thay vì để vào ly nhựa như tác giả, ta có thể bỏ cao su vào trong gô-đê (godet), một vật dụng có sẵn trong hầu hết các phòng nha hiện tại, nhỏ gọn vừa đủ xài, vừa giữ ổn định được cục cao su khi vùi bản sao implant và phục hình tạm vào.
- Để ý nếu được thì vùi sâu cho đến khi bản sao implant chạm vào đáy của ly hoặc godet, sau này có thể lấy ra dễ hơn.
- Nếu sử dụng composite quang trùng hợp, nên chiếu đèn từng lớp mỏng để tránh composite chưa trùng hợp ở lớp đáy.
- Sau khi tháo phục hình tạm ra, nên gắn trụ lành thương hoặc abutment tạm trong suốt quá trình làm coping lấy dấu cá nhân.
Xem thêm: ,5 lời khuyên để phục hình trên implant tốt hơn
Xem thêm: ,Những nguyên tắc cơ bản khi phẫu thuật implant
Sau đây là vài hình ảnh minh họa khác. Trong case lâm sàng này, thay vì cao su tác giả dùng thạch cao và thay cho pattern resin là composite lỏng.
Phục hình tạm gắn với bản sao implant được vùi vào trong khối thạch cao.
Coping lấy dấu cá nhân sau khi đã hoàn thành và sẵn sàng để gắn trong miệng.
Coping cá nhân khi gắn trong miệng.
Dấu cao su sau cùng.
Theo Bác sĩ Trần Ngọc Hải
Source: Dr. Chris Salierno, Dr. David Kurtzman.
Bài đăng lần đầu ngày: 11 Tháng sáu, 2019 @ 4:53 chiều