Khi tới phòng khám để điều trị, bệnh nhân sẽ chỉ quan tâm chủ yếu đến 3 điều: – Có đau không? – Kết quả nhìn có đẹp không? – Và ăn nhai có khó chịu gì không? Người ta sẽ không biết là bạn đã tạo được một tiếp điểm hoàn hảo hay mang lại cho họ một khớp cắn ổn định nhất có thể. Nhưng nếu bạn làm bệnh nhân nhảy dựng lên khi gây tê thì họ sẽ “nhớ” tới già và không bao giờ quay trở lại phòng khám của bạn. Vậy thì chúng ta có thể làm gì để cho công đoạn gây tê trở nên nhẹ nhàng hơn với bệnh nhân. Dưới đây là một số lưu ý để việc gây tê diễn ra nhẹ nhàng hơn.
1. Gây tê bề mặt đúng cách trước khi dùng kim.Điều đầu tiên và cũng rất quan trọng đó là hãy sử dụng thuốc tê bề mặt trước. Có nhiều loại thuốc tê bề mặt khác nhau, phần lớn chúng đều có tác dụng tốt. Tuy nhiên để chúng có thể phát huy hết hiệu quả thì không phải chỉ quẹt một ít thuốc lên miệng bệnh nhân là xong.
Một điều then chốt để thuốc tê bôi có tác dụng đó là phải lau khô niêm mạc trước. Nước bọt và protein trong nước bọt có thể là hàng rào ngăn cản thuốc. Dùng gạc lau khô kỹ rồi bôi thuốc. Đợi khoảng 30-60 giây hoặc tới khi mô nướu hơi thay đổi. Điều này cho thấy thuốc tê đã xuyên qua niêm mạc và tác động lên các sợi thần kinh dưới biểu mô. Lúc này ta có thể đưa kim qua niêm mạc mà không gây nhiều cảm giác cho bệnh nhân. Nếu ta kết hợp rung giật nhẹ vùng niêm mạc khi đâm kim, nó cũng sẽ giúp đánh lạc hướng bệnh nhân và làm bệnh nhân không để ý mũi kim. Có vài loại máy có thể hỗ trợ rung nhẹ mô mềm khi gây tê, tuy nhiên nó không quá cần thiết, ta có thể tự làm điều đó một cách dễ dàng. Sau khi gây tê xong, chú ý lau sạch thuốc vì nó có thể gây bong niêm mạc nếu để quá lâu.2. Tránh không để bệnh nhân nhìn thấy kim tiêm.
Điểm lưu ý thứ hai: Không nên để xy-lanh gây tê lọt vào tầm mắt của bệnh nhân. Việc này cần có sự phối hợp với phụ tá, nên đưa xy-lanh trong lúc bác sĩ đang banh môi má và điều chỉnh vị trí đầu của bệnh nhân. Không nhìn thấy kim tiêm, bệnh nhân sẽ không cảm thấy nó, và họ sẽ kể cho bạn bè và người thân biết điều đó. Chỉ cần luyện tập một chút là ta có thể chuyển dụng cụ một cách nhanh gọn, trơn tru và gây tê trước khi bệnh nhân kịp nhận ra là mọi thứ đã bắt đầu rồi.3 .Bơm thuốc càng chậm càng tốt.Điều tiếp theo cần phải chú ý, đó là phần lớn cảm giác đau của bệnh nhân khi gây tê không phải là do mũi kim mà nó đến từ lượng thuốc tê được tiêm vào mô bên dưới. Bên cạnh nguyên nhân do tính acid của thuốc tê, cảm giác bỏng rát khi gây tê chủ yếu là do sự tích tụ chất lỏng dưới bề mặt mô nướu. Nếu bơm thuốc quá nhanh, mô mềm sẽ không kịp điều chỉnh và bị xé rời. Điều này gây tổn thương cho mô mềm và gây đau cho bệnh nhân. Sau điều trị, bệnh nhân cũng sẽ thấy khó chịu ở vùng gây tê nhiều hơn. Cách đơn giản nhất để tránh điều này là bơm thuốc tê thật chậm. Có nhiều thiết bị hỗ trợ cho việc gây tê chậm. Chúng bắt bác sĩ phải làm từ từ và kiểm soát thuốc tê một cách nhẹ nhàng nhất. Chúng ta cũng có thể kiểm soát được mà không cần đến máy móc, tuy nhiên điều quan trọng là cần phải thật kiên nhẫn.4. Khuyến mãi cho vùng khẩu cái.
Cuối cùng, là một số bí kíp dành riêng cho việc gây tê phía khẩu cái. Đây là vùng có lớp biểu mô sừng hóa rất dày nên thuốc tê bề mặt thường không hiệu quả. Để bệnh nhân không phản ứng khi đâm kim ở đây ta có hai mẹo nhỏ sau: Sử dụng nước đá ép lên niêm mạc sẽ giúp gây tê bề mặt và cho phép đâm kim ít đau hơn, tuy nhiên cần cẩn thận không nên làm lạnh quá nhiều vì sẽ gây ra tổn thương mô mềm. Khi niêm mạc đã tê rồi, đưa kim vào vị trí, từ từ bơm 1-2 giọt thuốc tê ra ngoài. Ta cần cho thuốc tê đủ thời gian để ngấm vào trong, điều này sẽ giúp gây tê khu vực đó và cho phép ta bơm thêm thuốc tê mà không gây đau. Mô mềm vùng khẩu cái dính rất chặt vào bề mặt xương bên dưới, ta cần phải gây tê sơ bộ trước khi muốn bơm thêm thuốc tê. Nếu bạn bỏ qua bước này, mô mềm sẽ không tê và bệnh nhân sẽ rất đau vì áp lực lớn.
Một thủ thuật khác tốn nhiều thời gian hơn nhưng lại rất hiệu quả, đặc biệt là với những bệnh nhân nhí. Trước tiên dùng thuốc tê bôi, chờ khoảng 1-2 phút để mô mềm mặt ngoài bắt đầu tê, sau đó gây tê một ít vào gai nướu mặt ngoài trước. Để ý dùng đủ áp lực để có thể bắt đầu thấy phía trong gai nướu thay đổi, chứng tỏ mặt trong đã bắt đầu tê. Lúc này vừa bơm thuốc vừa từ từ đưa kim xuyên qua gai nướu vào phía khẩu cái. Kỹ thuật này rất hiệu quả trong trường hợp cần gây tê và cầm máu tại chỗ nhiều hơn.
Nguồn: Bacsingochai.com Source: Dr. Darin O’Bryan, Dr. Gary DeWood
Bài đăng lần đầu ngày: 3 Tháng tám, 2018 @ 4:05 chiều