Trong văn hóa Nhật Bản, rượu Sake là quốc tửu, là cầu nối con người với con người, nối con người với thần linh. Còn trong văn hóa quà tặng, Sake còn hơn cả một món quà, đó là lời cảm ơn, lòng thành kính, lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Tất cả được kết tinh trong sắc rượu trong vắt thanh thuần, vị ngọt dịu nhẹ, hương thơm ấm áp.
Rượu Sake có vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống và văn hóa Nhật Bản suốt hơn 2.000 năm qua. Theo ghi chép, người Nhật bắt đầu sản xuất rượu Sake từ khoảng thế kỷ thứ III Trước Công nguyên, sau khi nền nông nghiệp trồng lúa nước ra đời.
Sake trở thành thức uống quốc hồn Nhật Bản bởi Quy trình sản xuất hầu như không thay đổi trong vòng 400 năm qua. Sake vốn được sản xuất theo kiểu thủ công, từ những loại gạo ngon nhất cùng với thứ nước tinh khiết lấy từ vùng núi cao. Với kỹ thuật lên men đặc biệt, gạo sau khi được chà xát sạch sẽ được hấp thụ đủ độ ẩm từ trong không khí, sau đó tách bỏ lớp cám và được ngâm nước với sự căn chỉnh thời gian vô cùng cầu kỳ.
Sau khi ngâm nước, gạo được đem nấu trong một nồi lớn với quy trình được kiểm soát chặt chẽ. Không nấu chín quá để tránh lên men nhanh, không đủ đậm hương vị. Cũng không nấu chưa đủ chín, nếu không, hiện tượng lên men chỉ xảy ra ở lớp vỏ ngoài.
Lên men xong, cơm rượu Sake được ép lấy nước rượu. Trong một số loại rượu Sake, người ta thêm vào một số lượng nhỏ cồn rượu đã được chưng cất. Điều này nhằm mục đích trích ra hết tất cả mùi thơm và hương vị có thể bị giữ lại trong xác hèm rượu.
Ba loại Sake hảo hạng của Nhật gồm:
1. Honjōzō-Shu (本醸造酒), trong đó một lượng nhỏ cồn rượu ủ rượu được thêm vào trước khi hèm rượu Sake được ép, nhằm mục đích trích ra toàn bộ mùi thơm và hương vị từ hèm rượu Sake. Tên chữ này được tạo ra vào cuối thập niên 1960s. Rượu Sake làm theo phương pháp này phải được làm với tỷ lệ không được quá 116 lít rượu cồn tinh chất cho mỗi 1,000 kilograms gạo.
2.
Junmai-Shu (Thuần Mễ Tửu – 純米酒), được làm chỉ duy nhất bằng gạo, nước và cơm nấm Kōji, mà không thêm chút nào cồn rượu ủ rượu hay bất kỳ chất liệu khác vào. Trước năm 2004, chính quyền Nhật Bản ban hành lệnh rằng rượu Thuần Mễ Tửu phải được làm từ loại gạo được chà xay chỉ còn 70% hoặc ít hơn trọng lượng ban đầu của nó, nhưng sau đó thì nguyên tắc này đã được bãi bỏ.
3. Ginjō-Shu (吟醸酒), được làm từ gạo đã được chà xay chỉ còn lại 60% trọng lượng gạo ban đầu. Rượu Sake được chà sát chỉ còn 50% hoặc ít hơn thì được gọi là DaiGinjō-Shu (大吟醸酒).
Uống Sake thế nào mới đúng?
Sake có thể uống khi nguội, khi ấm hoặc nóng tùy theo mùa và theo loại Sake. Cũng có loại Sake đặc biệt chỉ để uống lạnh. Người ta còn phân biệt rượu Sake nữ và Sake nam. Sake nam là loại làm từ nước cứng, có nhiều muối canxi và muối magiê, có vị hơi đắng. Sake nữ là loại làm bằng nước mềm, có vị dịu.
Điều đặc biệt ở loại rượu này là có thể thưởng thức ở nhiều dạng, hương và vị của rượu sẽ thay đổi tùy theo nhiệt độ.
– Ở dạng được làm lạnh: Làm lạnh rượu trong khoảng từ 7-10 độ. Với Sake thông thường, đặt rượu vào tủ lạnh là đạt yêu cầu. Đơn giản mà vẫn giữ nguyên được vị ngon của rượu. Riêng đối với rượu Ginjou, nhiệt độ lý tưởng là 10 – 15 độ.
– Ở dạng được hâm nóng: Hâm nóng có thể biến rượu sake thành một thức uống mềm mại và ngon miệng hơn. Đặc biệt, với loại sake có kết cấu dày và hương vị thơm ngon, thì sự thay đổi hương vị này càng rõ ràng hơn. Sử dụng chảo nước nóng là phương pháp hâm nóng Sake giữ được hương vị thuần túy nhất.
– Ở dạng nhiệt độ phòng: Cần lưu ý, khái niệm “dạng nhiệt độ phòng” ở đây không phải là nhiệt độ phòng bất kỳ mà là theo mùa. Mùa hè nóng cần làm mát rượu, mùa đông lạnh cần phải làm hâm nóng. Giữ nhiệt độ từ 15 đến 20 độ C để cảm nhận được hương vị rượu một cách trung thực nhất.
– Ở dạng uống với đá: Rượu được làm lạnh bằng một viên đá lớn đặt trong ly dành riêng cho cách uống Sake lạnh. Chỉ nên rót chừng 50-60ml để uống vừa đủ trước khi đá tan ra làm rượu mất ngon.
Sake được uống ở một dải nhiệt độ rộng, từ 5 độ C đến 55 độ C. Không nên hâm nóng lên quá 60 độ C và cũng không nên nấu sôi. Cách uống cũng tùy thuộc vào từng loại rượu Sake khác nhau. Cũng có thể pha với các loại rượu mùi khác hay với cocktail trái cây để có một hương vị tổng hợp đặc biệt.
Trong văn hóa Nhật Bản xưa, sản xuất Sake có liên quan mật thiết tới cung đình và những đền thờ. Cho đến ngày nay, rượu Sake vẫn thường gắn liền với các nghi thức cổ và các lễ hội tôn giáo, cưới hỏi, lễ nghi trang trọng.
Đó cũng là lý do Công ty Anh & Em lựa chọn Sake làm món quà gửi đến các quý Bác sĩ nhân dịp Tri ân khách hàng, kỷ niệm 05 năm đối tác độc quyền giữa Công ty Anh&Em và Morita Nhật Bản.
Hy vọng Quý Bác sĩ sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với tinh hoa ẩm thực – văn hóa Nhật Bản này!
Bài đăng lần đầu ngày: 22 Tháng mười hai, 2018 @ 11:47 sáng