Lãng phí trong đầu tư thiết bị nha khoa

Đối với mỗi chủ phòng khám, việc đầu tư thiết bị nha khoa luôn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, khác với các đồ dùng hàng ngày như ô tô là một loại “tiêu sản”, thiết bị nha khoa là “tài sản”, là công cụ tạo ra nguồn thu nhập của nha sĩ. “Người giàu mua tài sản, người nghèo mua tiêu sản”. Lựa chọn thông minh sẽ giúp bác sĩ hạn chế được việc lãng phí thiết bị nha khoa của mình.

Cùng một khoản tiền đầu tư, nếu bạn dùng để đổi ô tô mới, sẽ có hàng loạt chi phí đeo bám bạn suốt thời gian sử dụng nó (xăng, bảo hiểm, sửa chữa, giảm giá trị khi bán…). Thông thường ô tô có thời gian sử dụng không quá 5 năm (vì bạn sẽ lại muốn mua chiếc mới, hiện đại hơn). Nhưng nếu đầu tư, chẳng hạn một hệ thống x quang toàn cảnh, nó sẽ là “cỗ máy” tạo ra thu nhập cho nha khoa của bạn hàng ngày. (Nhiều thống kê cho thấy, doanh thu nha khoa tăng từ 150% – 200% sau khi lắp đặt thiết bị x quang răng toàn cảnh (Panorama)).

Chính vì vậy không phải là giá cả! Điều bạn cần là xem xét nhiều yếu tố khác như: tính năng, độ bền, công nghệ, hay những giá trị vô hình như thương hiệu, hình ảnh cao cấp… mà thiết bị đó mang lại cho công việc của bạn. Nói một cách khác, bạn cần quan tâm đến lợi nhuận mang lại (bao gồm lợi ích hữu hình và lợi ích vô hình) trên số vốn đầu tư vào thiết bị.

lang-phi-trong-dau-tu-thiet-bi-nha-khoa
Khi đầu tư cần lưu ý những lãng phí ẩn trong một thiết bị nha khoa

Những chi phí ẩn mỗi khi thiết bị nha khoa hỏng hóc

Chúng ta thường nghe: “Tôi cần một loại thiết bị ngon, bổ, rẻ”. Đúng vậy, mong muốn chính đáng của người tiêu dùng nói chung, hay bác sĩ nha khoa nói riêng, đó là nhận được giá trị tốt nhất, vượt trên kỳ vọng từ số tiền mình bỏ ra.

Tuy vậy, chúng ta vẫn thường phải hy sinh bớt một vài mục tiêu khi lựa chọn. Những thứ “ngon, bổ” thường khó sản xuất, khan hiếm… và do vậy nó thường là không rẻ (rẻ theo nghĩa so sánh giá cả. Nếu so sánh khía cạnh giá trị, thường các mặt hàng đắt về giá, sẽ là “rẻ” nếu so sánh giá trị người mua nhận được).

Do áp lực về tài chính lúc mới mở nha khoa, bạn lựa chọn các bộ ghế nha “vừa tầm” theo bạn so sánh giá cả trên thị trường. Lựa chọn này cho phép bạn triển khai nhanh phòng khám để đi vào hoạt động tạo doanh thu. Tuy vậy, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra, nếu không có áp lực tài chính, lựa chọn bạn đầu của bạn đã làm bạn tiêu tốn rất nhiều chi phí thực tế và những lãng phí ẩn (không đo được, không nhìn thấy) trong quá trình hoạt động. Nó có thể là:

  • Lãng phí tiền bạc

Việc hỏng hóc thường xuyên của thiết bị khiến bạn liên tục phải gọi thợ sửa chữa, thay thế. Nó giống như việc bạn đi một ô tô cũ, ô tô kém chất lượng và phải liên tục đưa vào gara, so với xe chất lượng cao, xe hạng sang, rất ít khi phải sửa chữa.

  • Lãng phí thời gian

Đưa xe vào gara, gọi thợ đến sửa ghế, hay bất cứ hoạt động điều chỉnh, thay thế, sửa chữa nào cũng sẽ làm bạn gián đoạn công việc, hao tổn thời gian và tâm sức. Thời gian là tiền bạc. Thời gian rảnh nên dành để thư giãn, chuẩn bị tâm thế cho công việc, thay vì phải xử lý các vấn đề khó chịu như vậy.
Sử dụng một thiết bị nha khoa kém chất lượng chỉ vì giá rẻ cũng làm bạn lãng phí thời gian.

  • Hao tổn tinh thần, gây ra sự khó chịu, bực dọc

Hãy nhớ lãi, bạn đã bực dọc thế nào mỗi khi đang làm việc mà ghế nha của bạn hỏng, hay tay khoan tắc … Còn khó chịu hơn nữa khi bạn gọi thợ hoặc đơn vị bảo hành mà mãi không có ai đến sửa hoặc sửa đi sửa lại không xong?

Hãy dành tinh thần thoải mái, nhiệt huyết để chăm sóc cho bệnh nhân thay vì đi giải quyết những việc khó chịu như vậy.

  • Tổn hại về uy tín của nha khoa trước mặt khách hàng: 

Một thiết bị rẻ tiền không bao giờ mang lại cảm giác đáng tin cậy nơi khách hàng của bạn. Ngược lại, “hãy chỉ cho tôi chiếc ghế bạn dùng, tôi sẽ tin bạn là bác sĩ giỏi”.

Khó có lời giải thích nào ngượng nghịu hơn khi đang điều trị cho bệnh nhân thì ghế hỏng phải không nào? Bạn tốn nhiều tiền đầu tư nội thất phòng khám để làm nó sang trong lên! Nhưng một thiết bị rẻ tiền sẽ “phản bội” bạn. Những khách hàng tinh tế sẽ nhanh chóng nhận ra một thiết bị rẻ tiền dù nó được bọc bởi một lớp vỏ hào nhoáng.

  • Giảm uy tín với nhân viên

Tuyển dụng và đãi ngộ người tài về làm việc tại nha khoa của mình thường đã tốn rất nhiều tâm sức, bạn sẵn sàng trả lương cao để người tài về giúp mình, bạn không nên đưa cho họ một công cụ tồi để làm việc. Bạn có một thiết chưa an toàn trong phòng khám, nhưng nhân viên, trợ thủ của bạn là người thường xuyên trực tiếp làm việc với thiết bị đó. Họ sẽ có nỗi lo lắng trong lòng dù không nói ra, họ có thể sẽ nghĩ đến việc rời bỏ nha khoa vì sợ sự không an toàn đó. Nhiều nha khoa hiện nay giữ người bằng cách mua nhiều “đồ chơi xịn”, các bác sĩ nha khoa làm việc với công cụ tốt sẽ rất khó bỏ đi nơi khác – khi không có công cụ như vậy hỗ trợ họ.

  • Ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn

Thiết bị tốt, đạt tiêu chuẩn cao sẽ giúp bạn hoàn tất cả điều trị hoàn hảo hơn. Các thiết bị không đáng tin cậy, không chính xác, không được bảo dưỡng và kiểm định định kỳ có thể gây ra các sai sót không đáng có. Bạn có thể tốn nhiều ngàn đô la để tham gia các khóa học cập nhật những kỹ thuật mới nhất. Nhưng lại quên mất những “kẻ gây hại” có thể đang ở bên cạnh bạn – Thiết bị nha khoa kém chất lượng.

Nếu cộng các chi phí hiện hữu và lãng phí ẩn này lại, có thể thấy bạn đã trả giá quá cao cho một thiết bị chất lượng “hạng trung”. Ngược lại, nếu lựa chọn các thiết bị có độ bền cao, hoạt động ổn định với công nghệ phù hợp chính là lựa chọn đầu tư khôn ngoan nhất.

thiet-bi-nha-khoa
Thiết bị nha khoa chính là tài sản của phòng khám.

Xem thêm: Lập kế hoạch kinh doanh cho phòng khám như thế nào?

Chi phí thực khi đầu tư một thiết bị nha khoa

Khi muốn đầu tư bất kỳ thiết bị nha khoa nào, không nên chỉ chú trọng vào yếu tố giá cả mà hãy sáng suốt cân nhắc các yếu tố như: chi phí vận hành, chính sách CSKH và bảo hành, độ bền, độ bền thiết bị trong thực tế, hiệu suất sử dụng, chính sách thanh toán, khả năng khai thác hiện tại và trong trung hạn của thiết bị đối với nha khoa của bạn, …

Việc liệt kê và ước tính tất cả các yếu tố sẽ cung cấp cho bạn bức tranh tổng thể của “tổng chi phí sở hữu” hay “chi phí thực sự” của thiết bị. Bạn sẽ cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trước khi ra quyết định đầu tư. Việc không chuẩn bị bước này có thể tác động đáng kể đến tài chính trong quá trình hoạt động phòng khám. Hãy tự mình trả lời những câu hỏi sau:

  • Bạn đã thực sự “cần” thiết bị đó chưa? Việc đầu tư ngân sách cao cho một thiết bị chỉ được khai thác dưới 50% công suất của nó sẽ là một lãng phí lớn cho bạn. Hãy tính toán cẩn thận chi phí, bao gồm: chi phí khấu hao; chi phí nhân sự vận hành; giấy phép; chi phí khác … Dù nhà cung cấp có cho bạn thời hạn thanh toán đến 10 năm, thì đó cũng là tiền của bạn, nó không làm giảm tổng chi phí bạn phải bỏ ra.
  • Vốn đầu tư cần thiết cho thiết bị? Nguồn kinh phí của bạn có khả năng đáp ứng hay không?
  • Chính sách thanh toán của nhà cung cấp và lợi ích của nó nếu có?
  • Nếu đem tổng chi phí đầu tư chia cho số tháng vận hành hữu dụng của thiết bị bạn sẽ tính được chi phí khấu hao hàng tháng. Nếu bạn đầu tư thiết bị quá lớn trong khi nhu cầu sử dụng trên bệnh nhân thấp, thì thực ra bạn đang lãng phí lớn.  
  • Thời gian hoàn vốn dự kiến trong bao lâu? 

Ví dụ 1: Bạn đầu tư CBCT, loại “ngon, bổ, rẻ”, trị giá 1,2 tỷ đồng. Bạn dự kiến sử dụng trong 60 tháng (5 năm) thì thiết bị sẽ đi vào giai đoạn cần sửa chữa lớn hoặc nâng cấp do công nghệ lạc hậu. Như vậy, chi phí khấu hao hàng tháng của bạn cho chiếc CBCT này là: 1,200,000,000đ/60 tháng = 20,000,000 đ/tháng. Cộng thêm, để vận hành CBCT này, bạn cần trả lương cho KTV 10,000,000đ/tháng, chi phí xin giấy phép và xây dựng phòng chì khoảng 120,000,000đ. Như vậy, chi phí của bạn cho chiếc CBCT này lên tới 32,000,000đ/tháng. Bạn cần tính toán lợi nhuận trên mỗi ca điều trị có sử dụng CBCT để bù đắp được khoản chi phí khổng lồ này.

  • Lợi nhuận mà thiết bị sẽ mang lại trong 3 hay 5 năm tới?

Ví dụ 2: Cũng bài toán trên, thay vì đầu tư CBCT có suất đầu tư lớn nhưng lượng sử dụng thấp, bạn đầu tư máy Panorama và chụp miễn phí để khảo sát cho tất cả các bệnh nhân thăm khám nhằm phát hiện sớm các vấn đề răng miệng của bệnh nhân.

Chi phí đầu tư Panorama giả định là 480,000,000 đồng, thời gian sử dụng 120 tháng (10 năm), bạn không cần thuê KTV chụp và phân tích phim vì các y tá đều thao tác được các thao tác đơn giản để chụp phim. Chi phí phòng chì và cấp phép còn ½ là 60,000,000đ do diện tích yêu cầu của thiết bị nhỏ hơn ½ . Như vậy, chi phí khấu hao và hoạt động cho thiết bị này chỉ có 4,500,000 đ / tháng. 

Nhưng do bạn khám tư vấn toàn bộ các bệnh nhân đến với phòng khám của mình dựa trên phim Panorama chụp miễn phí, bạn sẽ tăng gấp đôi doanh thu trung bình trên mỗi bệnh nhân đến với bạn, bởi hầu hết mọi bệnh nhân đều có bệnh lý chưa được phát hiện do họ chưa từng đi chụp Panorama.

chi-phi-thiet-bi-nha-khoa
Khi đầu tư cần xem xét đến lợi nhuận mà thiết bị đó mang lại.
  • Chi phí bảo hành, sửa chữa, hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng như thế nào? 

Thời gian bảo hành và chất lượng dịch vụ kỹ thuật có yếu tố quyết định đến giá thành các thiết bị được cung cấp. Các nhà cung cấp cũng như bạn, họ có các chi phí văn phòng, bộ máy kỹ thuật, các chi phí đào tạo chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ … Các nhà cung cấp có thể lựa chọn hai hướng đi khác biệt. 

– Một số nhà cung cấp tập trung vào doanh số ngắn hạn, họ cố gắng giảm giá, đưa các ưu đãi nhằm bán hàng nhanh, nhưng không chú trọng đến các dịch vụ kỹ thuật sau bán hàng, người mua dễ gặp tình trạng đem con bỏ chợ. Cho đến khi thị trường nhiều khách hàng không còn tin tưởng vào mặt hàng đó, nhà cung cấp sẽ chuyển qua cung cấp mặt hàng mới. Và chu trình cứ thế tiếp diễn, chỉ người mua chịu thiệt.

– Với các nhà cung cấp có chiến lược xây dựng uy tín thương hiệu bền vững, họ sẽ phải đầu tư nhiều nhân lực và tài lực cho công đoạn chăm sóc, bảo dưỡng thiết bị sau bán hàng. Họ cố gắng tạo ra các trải nghiệm khách hàng tốt và khác biệt nhất. Khi thị trường tăng trưởng, nhu cầu về các thiết bị tốt, bền, có dịch vụ kỹ thuật chu đáo sẽ tăng cao, họ sẽ là đơn vị được khách hàng tin tưởng hơn cả.

Như vậy, ngoài việc quan tâm đến các tính năng và giá mua, bạn cần tìm hiểu thêm về độ tin cậy của thương hiệu, chính sách bảo hành, tính phổ biến của sản phẩm, những lợi ích sản phẩm mang lại…

Việc tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sẽ mang đến cho bạn một quyết định sáng suốt. Bạn có thể dễ dàng nhìn nhận ra vấn đề từ các câu chuyện đầu tư của các nha sĩ khác. Họ đầu tư chiếc ghế này, giá cả ra sao, trải nghiệm của họ trong suốt quá trình sử dụng. Những thông tin như vậy rất có lợi cho bạn. Nó sẽ gợi ý cho bạn những ý tưởng đầu tư nào hợp lý, đầu tư nào sinh lời, đầu tư nào nên tránh. Tuy vậy, bạn cũng cần tỉnh táo tránh sa vào các trào lưu hào nhoáng, các xu hướng (trend) do chính các nhà cung cấp tạo ra mà không có cơ sở tính toán hợp lý.

Kết luận

Là một bác sĩ nha khoa, nhưng đồng thời, bạn cũng chính là một chủ doanh nghiệp đang vận hành với đúng cơ cấu của một doanh nghiệp hoàn chỉnh. Điều tất yếu bạn cần biết cách quản lý, đầu tư và kinh doanh hiệu quả doanh nghiệp của mình.

Trong quá trình đầu tư, nếu chỉ xét về giá cả thì có lẽ bạn sẽ gặp phải nhiều rủi ro đáng tiếc. Ngoài việc là một bác sĩ tận tâm, bạn cũng cần là một nhà đầu tư sáng suốt. Hãy xem xét, cân nhắc từ những chi phí tiềm ẩn đến chi phí thực sự của thiết bị trước khi ra quyết định đầu tư. Điều này sẽ giúp phóng khám hạn chế những lãng phí trong đầu tư thiết bị nha khoa.

Theo Anh & Em

Bài đăng lần đầu ngày: 16 Tháng Bảy, 2021 @ 9:43 sáng

Viết một bình luận

Contact Me on Zalo

RELAX. ENJOY.

Nộp CV của bạn

Đăng ký sửa tay khoan miễn phí