Phim tia X cũng cung cấp thông tin có giá trị như một vài thử nghiệm nên đôi lúc bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định dựa hoàn toàn việc phân tích trên phim X-quang.
Tuy nhiên, hình ảnh trên phim chỉ nên sử dụng như một dấu hiệu, cung cấp những manh mối quan trọng trong việc tìm ra chẩn đoán. Khi nó không đi đôi với bệnh sử, khám lâm sàng và thử nghiệm thì việc sử dụng một mình X-quang có thể dẫn đến hiểu sai về tình trạng bình thường hoặc bệnh lý của răng.
Do kế hoạch điều trị cuối cùng sẽ dựa trên kết quả chẩn đoán nên có nguy cơ điều trị sai nhiều nếu chỉ đựa trên X-quang để đưa ra chẩn đoán. Bác sĩ không nên để bệnh nhân phơi nhiễm bức xạ nhiều nếu không cần thiết, thông thường hai phim từ các góc chụp khác nhau là đủ.
Nhưng trong trường hợp ngoại lệ, đặc biệt khi việc chẩn đoán khó khăn, có thể cần chụp nhiều phim để xác định xem liệu có hiện diện nhiều chân răng, nhiều ống tuỷ, nội tiêu, miếng trám sai, nứt chân răng, mức độ trưởng thành của chân răng và sự phát triển của chóp răng.
Hình ảnh X-quang bệnh lý nội nha đôi lúc cũng mang tính chủ quan nhiều. Theo nghiên cứu của Goldman và cộng sự, khi tổn thương được đánh giá bởi hai chuyên gia nội nha, ba sinh viên năm thứ hai và một trợ lý giáo sư thì chỉ có 50% trường hợp bệnh lý là đánh giá được trên X-quang.
Bên cạnh đó, khi tổn thương được đánh giá lại sau đó vài tháng thì chỉ có 75% đến 80% người đánh giá đưa ra cùng chẩn đoán ban đầu mà thôi. Do đó, điều này nhấn mạnh sự cần thiết của những thử nghiệm khách quan khác, cũng như tầm quan trọng của việc thu thập và so sánh với những hình ảnh X-quang trước đây.
Đối với X-quang hai chiều cơ bản (phim hoặc sensor kỹ thuật số), nhà lâm sàng chiếu tia X qua vật thể và thu được một hình ảnh trung gian. Giống như việc thu được bóng từ nguồn sáng, hình ảnh nhận được có thể khác nhau tuỳ thuộc vào hướng của nguồn tia X. Vì vậy, khi phân tích theo ba chiều không gian của một hình ảnh thu được trên phim hai chiều đòi hỏi nhà lâm sàng không chỉ có kiến thức về tình trạng bình thường và bệnh lý của cấu trúc mà còn phải có kiến thức về biểu hiện của chúng trên X-quang.
Do X-quang giống như là “thu một cái bóng” nên đặc điểm giải phẫu gần với phim (hoặc sensor) nhất sẽ di chuyển ít nhất, trong khi nếu nguồn tia chụp theo những góc dọc và ngang thì sẽ có những thay đổi. Điều này hữu ích khi muốn xác định xem liệu có còn chân răng nào không, vị trí của bệnh lý, cũng như nếu muốn bộc lộ những cấu trúc giải phẫu chị che lấp. Những thay đổi khi chụp theo hướng dọc và ngang có thể giúp thấy được những thông tin về đặc điểm giải phẫu và bệnh lý nhưng cũng có nguy cơ làm che đi những thông tin quan trọng khác.
Một góc chụp phim theo chiều dọc không đúng có thể làm chân trong của răng cối lớn hàm trên bị che bởi xương gò má. Một góc chụp phim theo chiều ngang không đúng có thể làm hình ảnh răng khảo sát chồng lên chân những răng kế cận hoặc tạo nên hình ảnh răng một chân trong khi răng thật sự có hai chân.
Hình 1. A. Nguồn tia vuông góc với vật thể, hình ảnh thu được không bị phân chia nhiều, tuy nhiên sẽ khó phân biệt được vị trí của những hình ảnh bị chồng lên nhau. B. Nguồn tia tạo một góc với vật thể, điểm gần phim (hoặc sensor) nhất sẽ di chuyển ít nhất, điểm gần với nguồn tia nhất sẽ di chuyển xa nhất.
Nhìn chung khi bệnh lý nội nha thấy được trên X quang thì ta sẽ thấy dưới dạng hình ảnh mất xương của vùng quanh chóp. Nhiễm trùng từ tuỷ răng vượt qua giới hạn không gian của tuỷ và đi vào vùng xương ổ răng gần đó. Bệnh lý có thể hiện diện đơn thuần là sự giãn rộng hoặc gián đoạn phiến cứng (lamina dura) – dấu hiệu X quang hằng định khi răng chết tuỷ, hoặc biểu hiện dưới dạng vùng thấu quang tại chóp chân răng hoặc xương ổ răng cạnh vị trí đổ ra của ống tuỷ bên hoặc ống tuỷ vùng chẽ. Trong một số trường hợp có thể không hề thấy bất kỳ sự thay đổi nào trên phim X quang, mặc dù trên lâm sàng đã thấy rằng có áp xe quanh chóp cấp tính.
Biểu hiện trên X quang của một bệnh lý về xương có nhiều biến đổi tuỳ thuộc vào vị trí tương đối của chân răng và liệu vùng xương đó là xương vỏ hay xương xốp. Những thay đổi hình ảnh X quang do mất xương sẽ không phát hiện được nếu xương mất chỉ là xương xốp. Tuy nhiên, bằng chứng X quang của bệnh lý sẽ quan sát được nếu xương mất mở rộng đến đường nối giữa xương xốp và xương vỏ. Điều này được minh hoạ bởi Bender và Seltzer – hai ông đã tạo ra tổn thương nhân tạo ở xương tử thi và đánh giá chúng trên X quang.
Theo dõi trên nghiên cứu này, các tác giả báo cáo rằng lý do vì sao một số răng dễ biểu hiện sự thay đổi trên X quang hơn những răng khác là do vị trí giải phẫu của chúng. Những phát hiện của họ cho thấy hình ảnh X quang của bệnh lý nội nha có tương quan với mối liên hệ giữa chóp chân răng và vị trí liền kề của nó với đường nối xương vỏ – xương xốp.
Vì lý do này, bệnh lý quanh chóp từ những răng này sẽ biểu hiện sớm hơn trên X quang. Bằng cách so sánh, người ta nhận thấy rằng chân xa của răng cối lớn thứ nhất hàm dưới và hai chân của răng cối lớn thứ hai hàm dưới thông thường nằm trung tâm vùng xương xốp, cũng như các răng cối lớn hàm trên, đặc biệt là các chân trong.
Tổn thương từ những chân răng này phải mở rộng hơn nữa trước khi tiến đến đường nối xương xốp – xương vỏ và mới được nhận thấy trên X quang. Vì những lý do này, không được loại trừ khả năng răng mắc bệnh lý tuỷ mặc dù không có thay đổi nào trên X quang cả.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng việc đọc X-quang như khả năng của người chụp X quang, chất lượng phim, chất lượng nguồn chiếu tia, kỹ thuật rửa phim và kỹ năng đọc phim. Kiểm soát tất cả những yếu tố này là một thách thức lớn nhưng lại vô cùng quan trọng để đọc phim chính xác.
Xem thêm: Thế nào là một phim Panorama đạt chuẩn
X QUANG KỸ THUẬT SỐ
Các thế hệ X quang kỹ thuật số có thể kiểm soát được nhiều thông số chất lượng so với phim X quang truyền thống. Kỹ thuật này được sử dụng trong vòng 20 năm qua nhưng gần đây đã được cải tiến bởi phần cứng tốt hơn và phần mềm dễ sử dụng hơn. X quang kỹ thuật số có khả năng chụp, hiển thị, phóng đại, làm sắc nét và lưu trữ các hình ảnh X quang giúp truy cập tìm kiếm lại một cách dễ dàng, ít tốn kém thời gian.
X quang kỹ thuật số không dùng phim thông thường và cũng không cần quá trình rửa phim bằng các dung dịch hoá học. Thay vào đó dùng cảm biến (sensor) và nguồn phóng xạ để chụp ảnh. Sensor này có thể gắn trực tiếp với máy tính hoặc di động. Máy tính giúp diễn giải các dữ liệu, chuyển tải chúng thành hình ảnh hai chiều có thể hiển thị hoặc làm sắc nét.
Hình ảnh được lưu trữ trong hồ sơ của bệnh nhân, thông thường trong một máy chủ chuyên dụng có thể truy cập khi cần thiết.
Việc hiển thị một hình ảnh X quang kỹ thuật số ở độ phân giải cao cho phép bác sĩ phân tích phim nhanh chóng và dễ dàng hơn. Hình ảnh có ngay tức thì, không có nguy cơ hình ảnh bị biến dạng do quá trình rửa phim sai cách. Bác sĩ có thể phóng to những vị trí khác nhau trên hình ảnh X quang, làm sắc nét hình ảnh để quan sát rõ hơn một cấu trúc giải phẫu nào đó, và trong một số trường hợp hình ảnh thậm chí có thể được chỉnh sửa màu – đây là một công cụ hữu ích cho việc giảng dạy.
Hình 2. X quang kỹ thuật số với tính năng chỉnh sửa màu, hỗ trợ cho việc giảng dạy.
Cho đến thời gian gần đây, phim X quang truyền thống vẫn còn có độ phân giải tốt hơn hình ảnh phim kỹ thuật số một chút, vào khoảng 16lp/mm. Tuy nhiên, hiện tại một số nhà sản suất sensor đang yêu cầu sản suất thiết bị có độ phân giải cao hơn phim X quang thông thường và lên tới 22lp/mm. Trong hoàn cảnh tốt nhất, mắt người có thể quan sát với độ phân giải 10lp/mm – đây là độ phân giải thấp nhất trong hệ thống X quang kỹ thuật số. Sensor kỹ thuật số có độ nhạy với phóng xạ tốt hơn phim X quang thông thường và vì vậy để tạo được ảnh, lượng phóng xạ cần thiết thấp hơn 50% đến 90%, đây là một tính năng quan trọng giúp bệnh nhân dễ dàng chấp nhận việc chụp X quang hơn.
Nghe bài viết trên Radio 4 Dental
Bài đăng lần đầu ngày: 22 Tháng mười một, 2017 @ 4:10 chiều